Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp, khu công nghiệp tại Hải Phòng đã nâng cao mức cảnh báo và thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 với quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan trong các khu công nghiệp.
Công ty TNHH Hestra Matsuoka (KCN Nomura Hải Phòng) có hơn 400 công nhân, lao động; trong đó nhiều công nhân lao động là đến từ các tỉnh lân cận như: Hải Dương, Quảng Ninh... Khi làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại nước ta và nhất là sau khi một số địa phương giáp Hải Phòng ghi nhận một số ca COVID-19, công ty đã chủ động có phương án hỗ trợ chỗ ăn nghỉ, sinh hoạt cho công nhân ngoại tỉnh, vận động họ ở lại Hải Phòng để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Công ty cũng tăng cường tuyên truyền cho công nhân và siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong các phân xưởng, nhà máy...
Chị Lưu Thị Mai, công nhân Công ty TNHH Hestra Matsuoka cho biết: “Công ty tôi có thành lập ban chống dịch, thường xuyên cập nhật thông tin từ nhà nước, khuyến cáo mới nhất của Chính phủ và thực hiện theo chỉ đạo của BQL khu kinh tế về phòng dịch. Ngoài ra còn phát triển thêm những biện pháp của nội bộ công ty để phòng ngừa phòng dịch tốt hơn, như: Trang bị dụng cụ rửa tay sát khuẩn, bố trí vách ngăn ở nhà ăn, trang bị khẩu trang và giám sát công nhân đeo trong giờ làm ăn, chia nhỏ ca ăn để đảm bảo mọi người ngồi cách xa nhau khi ăn, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch...”.
Thành phố Hải Phòng hiện có 12 khu công nghiệp với khoảng 160.000 công nhân, lao động. Các doanh nghiệp tại Hải Phòng đã kích hoạt hệ thống phòng chống dịch bệnh ở mức độ cao nhất, thực hiện nghiêm quy định 5K, đặc biệt là giãn cách công nhân khi làm việc và sinh hoạt tại công ty. Các công ty đều chủ động xây dựng kịch bản, các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường hợp có ca dương tính COVID-19 để sẵn sàng ứng phó, không lúng túng, bất ngờ khi phát sinh tình huống khẩn cấp.
Ông Trần Văn Tú, Trưởng phòng Hành chính, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty Bluecom Việt Nam (KCN Tràng Duệ Hải Phòng) cho hay: “Chúng tôi đã xây dựng phương án phòng chống dịch COVID-19 trong trường hợp xuất hiện ca dương tính hoặc các trường hợp F1, F2.. tại doanh nghiệp. Khi phát sinh, chúng tôi lập tức báo cáo Ban quản lý, Sở Y tế và triển khai khoanh vùng tại nhà máy. Chúng tôi đã làm việc với Khu bếp ăn tập thể và khu vực cách ly tại chỗ và khu vực nhà ở cho công nhân lao động lưu trú.... Bởi vì khi không may phát sinh ca F0 thì nội bất xuất, ngoại bất nhập, cho nên doanh nghiệp phải chuẩn bị trong tình huống bất khả kháng xảy ra”.
Với số lượng công nhân, lao động lớn, nhiều công nhân ngoại tỉnh và chuyên gia nước ngoài, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào các khu công nghiệp tại Hải Phòng rất cao. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh hàng loạt biện pháp phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế Hải Phòng phối hợp Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho gần 4.200 chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại các khu công nghiệp tại Hải Phòng và xét nghiệm sàng lọc diện rộng cho công nhân, lao động.
Trước đó, Hải Phòng đã xét nghiệm COVID-19 cho hơn 6.000 công nhân, lao động là người các địa phương đang có dịch, như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương... Tất cả số công nhân này đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Hiện, ngành y tế địa phương đang xét nghiệm mở rộng đối với công nhân là lao động ngoại tỉnh nhưng không phải địa phương có dịch và công nhân tại Hải Phòng.
Ông Trần Anh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết: “Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của thành phố cũng như sự vào cuộc của Ban quản lý Khu kinh tế và của ngành y tế, chúng tôi xác định cao nhất vấn đề khu công nghiệp cụm công nghiệp chúng tôi đặt lên hàng đầu trong công tác phòng chống dịch. Chúng tôi xét nghiệm trước mắt 20-30% công nhân ở thành phố Hải Phòng, sau đó bước 2 là chúng tôi tiếp tục mở rộng xét nghiệm lớn hơn nữa để đảm bảo kiểm soát tình hình dịch không xâm nhập vào các khu, cụm công nghiệp”.
UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu các doanh nghiệp tuyệt đối không sử dụng lao động nước ngoài khi chưa được cấp giấy phép lao động; chỉ cho phép nhập cảnh đối với những chuyên gia, người lao động nước ngoài khi thực sự cần thiết. Công nhân là người các xã có ca dương tính với COVID-19 được khuyến khích ở lại tại địa phương, không đến doanh nghiệp làm việc và vẫn được hưởng một phần lương, đảm bảo cuộc sống. Theo ông Trương Tiểu Đào, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc công ty Thâm Việt, chủ đầu tư Khu công nghiệp An Dương (Hải Phòng), các biện pháp phòng chống dịch của thành phố Hải Phòng nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các doanh nghiệp.
“Chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành các quy định chống dịch của Việt Nam và của TP Hải Phòng; thường xuyên cập nhật tất cả các tin tức phòng chống dịch mới nhất cho các doanh nghiệp thứ cấp trong khu. Bản thân trong khu công nghiệp cũng thành lập 4 tổ giám sát; kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch của các công ty trong KCN. Trong KCN An Dương có hơn 500 chuyên gia nước ngoài, chúng tôi quản lý tốt các chuyên gia này, yêu cầu họ hạn chế ra ngoài, không để nhiễm bệnh hay làm lây lan dịch bệnh”.
Sự chủ động, nâng mức cảnh báo nguy cơ dịch bệnh lên cao nhất, sẵn sàng phương án đối phó trong trường hợp xấu nhất giúp các doanh nghiệp tại Hải Phòng làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và không lúng túng, bị động trong tình huống bất ngờ xảy ra. Đảm bảo an toàn trong bão dịch đồng nghĩa với việc an toàn để duy trì sản xuất, đây là điều kiện cần thiết để doanh nghiệp thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phát triển sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh./.