Tính đến ngày 15/3, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk ghi nhận có 30 ổ dịch Lở mồm long móng tại 16 xã, phường với tổng số gia súc mắc bệnh là 504 con. Hai huyện Krông Bông và Cư Kuin đã quyết định công bố dịch lở mồm long móng trên đàn lợn của địa phương.

lo_mom_long_mong_o_dak_lak_vov_njzu.jpg
Các cơ quan chức năng tiến hành tiêu độc, khử trùng tại các khu chợ.

Dịch lở mồm long móng trên đàn lợn đã xuất hiện tại 7 địa phương là Cư Kuin, Krông Bông, Krông Năng, Krông Búk, Krông Pách, Thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột.  Tổng số gia súc mắc bệnh hơn 500 con, đã tiêu hủy 455 con. 

Chi cục Chăn nuôi và Thú Y đã tiến hành lấy mẫu gửi cơ quan Thú Y Vùng VI để xét nghiệm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng như: thực hiện tổng tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường bằng hóa chất và vôi bột; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ heo trên địa bàn xảy ra dịch bệnh, các tuyến giao thông trọng điểm; tiêu hủy heo nhiễm bệnh... 

Ông Thủy Lệ Vũ, Quyền Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, cùng với việc triển  khai đồng bộ các biện pháp chống dịch, Chi cục đã cấp 334 lít hóa chất để hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch bệnh.

“Hiện nay Chi cục đã tham mưu cho Sở và tỉnh rất nhiều văn bản chỉ đạo và riêng Chi cục cũng đã có công văn chỉ đạo các  trạm chăn nuôi thú y huyện tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý dịch triệt để khi các dịch lở mồm long móng trên heo xảy ra nhỏ lẻ thì phải tiêu huỷ ngay và cần phải công khai giá hỗ trợ để cho người dân biết để không bán chạy và vứt heo chết ra môi trường. Thứ hai nữa là khi đã công bố dịch thì thành lập ngày các chốt kiểm dịch tạm thời để không cho gia súc và các động vật mẫn cảm ra vào ổ dịch. Thứ 3 nữa là chúng tôi đã hỗ trợ 12 tấn vôi cho hai huyện đã công bố dịch và 3 huyện có nguy cơ cao là thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Krông Pách”, ông Vũ nói./.