Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII đặt mục tiêu về giao thông vận tải giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là “tạo ra kết cấu đồng bộ, hiện đại, bền vững, trong đó giao thông đường bộ là trọng tâm, cảng biển là trụ cột, giao thông đường thủy, hàng không là tăng lợi thế để phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế”.
Từ chỗ hệ thống giao thông chỉ khoảng 1.000 km, chủ yếu là đường nhỏ hẹp, trải đá dăm và cấp phối… đến nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã cơ bản hoàn thành khung kết cấu chung với tổng chiều dài 4.380km. Trước đây chỉ có hơn 100 km đường nhựa, đến nay đã có 2.625 km đường trải nhựa hoặc bê tông nhựa, tăng gấp 25 lần.
Dù không có sân bay quốc tế nhưng giao thông hàng không ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã hình thành rất sớm ở TP.Vũng Tàu và huyện Côn Đảo. Sân bay Vũng Tàu chủ yếu dành cho trực thăng, phục vụ ngành dầu khí. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách những năm gần đây, bay bằng trực thăng đã tăng thêm 2 chuyến khứ hồi mỗi tuần từ TP.Vũng Tàu ra huyện Côn Đảo.
Hạ tầng giao thông đồng bộ không chỉ kết nối từ thành thị đến nông thôn mà còn liên kết thuận lợi với các tỉnh, thành trong khu vực và vươn ra thế giới qua hệ thống giao thông đa phương thức. Nhiều tuyến đường được xây dựng với quy mô hàng ngàn tỷ đồng, tạo sức bật mạnh mẽ cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Đến nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 48 dự án cảng đang hoạt động. Riêng hệ thống cụm cảng Cái Mép-Thị Vải có 22 cảng, trong đó có 7 cảng container, 20 dự án kho bãi logistics được triển khai trên diện tích 224 ha. Việc kết nối giao thông đa phương thức, sự phát triển của hệ thống cảng biển giúp nâng tầm vị thế của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vì có tuyến hàng hải đi thẳng châu Âu, châu Mỹ./.