Với đặc thù giao thông của Hà Nội, việc tách làn riêng cho xe đạp liệu có khả thi không, cần một lộ trình thế nào? Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy về vấn đề này:

PV: Việc Hà Nội đề xuất thí điểm tách làn riêng cho xe đạp trên một số tuyến đường có khả thi không? khi mà thực tế thí điểm tách riêng làn ô tô, xe máy và xe thô sơ trên đường Nguyễn Trãi hơn 1 tháng qua vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi?

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy: Việc tách riêng làn ôtô và xe máy tôi không đồng ý vì tôi cho rằng, tính khả thi rất thấp, thế nhưng việc tách làn riêng cho xe đạp thì tôi ủng hộ.

Bởi vì, trong đô thị 2 phương tiện xe máy và ô tô có tốc độ gần như  nhau, không nên tách làn riêng, hai phương tiện này có thể đi lẫn được. Nhưng riêng xe đạp không thể đi lẫn được là vì xe đạp đi chậm hơn, cho nên cố gắng tách riêng làn cho nó.

Tuy nhiên, phải có lộ trình, phải có nghiên cứu kỹ, phải khảo sát thiết kế và tính toán kỹ thì mới làm được. Tức là sẽ mở được đường riêng cho xe đạp nhưng phải có điều kiện, phải có thời gian và phải có quá trình chuẩn bị hạ tầng đầy đủ chứ không phải làm được ngay.

PVVậy với đặc thù giao thông của Hà Nội, việc tách làn riêng cho xe đạp nếu được triển khai cần thực hiện theo lộ trình thế nào khi mà Thành phố vẫn chưa vận hành thử nghiệm xe đạp công cộng như TPHCM?

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy: Muốn làm riêng làn xe đạp phải lưu ý mấy điểm sau đây, thứ nhất là phải khảo sát kỹ tuyến, khảo cứu hạ tầng, tuyến đó mặt cắt bao nhiêu?

Mặt cắt phải đảm bảo từ 25-30m trở lên thì mới có thể tách riêng một làn cho xe đạp; làn xe đạp chỉ từ 1-1,5m thôi, chứ không cần lớn như làn BRT và có phân cách, không làm bê tông nhưng làm các rào chắn mềm để tách riêng làn xe đạp ra.

Thứ hai, khảo sát tuyến đó lượng người đi xe đạp bao nhiêu? Nếu một ngày chỉ có vài chục người đi hay rất ít người đi thì không nên làm.

Thứ ba là phải phát triển mạnh xe đạp công cộng, lập ra mạng lưới xe đạp công cộng, những điểm đỗ điểm dừng, những nơi cho mượn xe, những nơi giữ xe, những nơi trả tiền phải sử dụng công nghệ 4.0, đưa giao thông thông minh vào để điều hành, tạo thuận lợi cho người dân mượn xe đạp để đi lại.

Thứ tư, xe đạp là phương tiện kết nối các loại phương tiện khác, xe đạp có thể đi từ bến xe này đến bến xe khác, kết nối xe buýt với đường sắt đô thị, kết nối với đường sắt quốc gia và kết nối với các tuyến xe buýt đường dài…

Xe đạp có tác dụng rất tốt và quan trọng nhất là đi xe đạp giúp giảm ô nhiễm môi trường, xe đạp sẽ phù hợp cho cự lý từ 6-7km trở lại. Vì thế chúng ta cần phải có một tỉ lệ người đi xe đạp nhất định.

Không nên so sánh với các nước Châu Âu, theo tôi, nước mình đi xe đạp còn tốt hơn ở Châu Âu vì đất nước ta cả 4 mùa không bị băng giá, đường không bị trơn trượt thì đi xe đạp tốt hơn nhiều các nước ở Châu Âu, mà Châu Âu họ đi được tại sao mình không đi được.

Vì thế quan điểm của tôi việc tách riêng làn xe đạp không phải làm được ngay mà nên có lộ trình và các điều kiện cụ thể, từ đó có thể dần dần từng bước người dân tập thói quen đi lại bằng xe đạp.

Hiện nay, ở Hà Nội có 6,5 triệu người đi xe máy, chỉ cần bớt đi và có khoảng 500 nghìn người đi xe đạp là tốt lắm rồi.

PVXin cảm ơn ông!