Ô nhiễm không khí quay lại Thủ đô
Sáng 11/10, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc ở ngưỡng xấu và rất xấu, dự báo sẽ kéo dài vài ngày tới, tác động xấu đến sức khỏe tất cả mọi người, đặc biệt là người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.
Theo kết quả số liệu quan trắc của hệ thống AirVisual, mặc dù vào khoảng 8h43 phút tại Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) và Vạn Phúc (quận Ba Đình) vẫn ở mức 157 - ngưỡng xấu. Vào thời điểm này, mức độ ô nhiễm không khí của Việt Nam đứng thứ 4 thế giới. Với chỉ số này, theo khuyến cáo từ AirVisual thì tất cả mọi người cần hạn chế ra ngoài vì có thể bị tác động xấu đến sức khỏe, những người nhạy cảm có thể gặp vấn đề với sức khỏe.
Cũng trong khoảng thời gian này, theo hệ thống quan trắc PAM Air ghi nhận điểm ô nhiễm cao nhất là mức 213 tại Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội). Mức độ rất kém, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần hạn chế ra ngoài, những người thuộc nhóm nhạy cảm cần tránh ra ngoài.
Đến thời điểm 9h15 phút, mặc dù mặt trời đã lên cao nhưng hệ thống quan trắc chất lượng không khí của AQI vẫn ghi nhận tại khu vực Cửa Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội) ở mức 156 - Xấu, mọi người gặp vấn đề về sức khỏe, những người nhạy cảm có thể bị gặp vấn đề trầm trọng hơn.
Theo các chuyên gia, trong các năm gần đây, vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội trở thành mối quan tâm đặc biệt của dư luận, khi thủ đô thường được nêu tên trong các bảng xếp hạng về những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Các nhà khoa học cũng tìm ra quy luật ô nhiễm không khí theo mùa tại Hà Nội, cụ thể vào mùa đông (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau) thì mức độ ô nhiễm dạng hạt cao hơn nhiều so với mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 9).
Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm
Lý giải về nguyên nhân gây ô nhiễm này, các chuyên gia thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, thời điểm này thường xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt khiến cho chất ô nhiễm không khuếch tán lên cao mà đọng lại ở bề mặt, làm nồng độ chất ô nhiễm tăng cao.
Tuy nhiên, theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, hoạt động phát thải từ nhiều nguồn như giao thông, xây dựng, công nghiệp, hoạt động dân sinh,...Trong điều kiện khí tượng không thuận lợi là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Theo đại diện Bộ TN&MT, nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội là các phương tiện giao thông tăng chóng mặt, bên cạnh đó là các hoạt động xây dựng, hoạt động phát triển công nghiệp,...
Các chuyên gia cho rằng, từ nay đến hết mùa đông, một số đợt ô nhiễm không khí có thể sẽ tiếp tục diễn ra, vì vậy người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí để có các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động. Khi tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra nên hạn chế các hoạt động ngoài trời vào ban đêm và sáng sớm, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, sử dụng loại khẩu trang ngăn được bụi mịn./.