Thực hiện các chỉ thị này, lực lượng CSGT, Công an TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó việc bố trí các tổ “đánh chéo” giữa các địa bàn bước đầu đã mang lại hiệu quả, TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, để kiểm soát vi phạm nồng độ cồn thực sự đi vào chiều sâu cần những giải pháp nào?

Trung tá Đào Việt Long, Phó Trưởng Phòng CSGT – Công an TP. Hà Nội đã có trao đổi xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa Trung tá Đào Việt Long, hiện nay Phòng CSGT - Công an TP. Hà Nội đã và đang triển khai các Chỉ thị của Ban bí thư và Thủ tướng Chính phủ thế nào, đặc biệt là trong việc xử lý các vi phạm về nồng độ cồn?

Trung tá Đào Việt Long: Từ đầu năm 2023 Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”.

Trong đó, phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn công tác xử lý vi phạm, giải quyết TNGT với công tác tuyên truyền; phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông để thông tin cho người dân những kiến thức pháp luật cơ bản, từ đó nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.

Điều này thể hiện tính nghiêm minh và quyết liệt của lực lượng CSGT trong công tác xử lý vi phạm; kể cả các biện pháp ngăn chặn, chấn áp cần thiết theo quy định đối với các trường hợp chống đối; công tác điều tra, xử lý đối với các vụ TNGT liên quan đến nồng độ cồn.

Tổ công tác thuộc Đội CSGT số 4 kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực ngã ba Kim Ngưu - Thanh Nhàn

Trong tình hình hiện nay thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương, Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT; chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an tại Điện mật số 76 ngày 31/08/2023 về tăng cường các biện pháp, giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, lực lượng CSGT Thủ đô sẽ tiếp tục công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn một cách quyết liệt, bền bỉ với mục tiêu hình thành bằng được thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe” trong nhân dân; quá trình xử lý vi phạm phải triệt để, không né tránh theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Đặc biệt quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT sẽ xác minh triệt để nhằm xác định người vi phạm có phải cán bộ, đảng viên hay không, nếu có sẽ thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý và kiến nghị có hình thức xử lý kỷ luật theo đúng quy định.  

PV: Được biết mới đây 14 tổ công tác thuộc Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội tiến hành xử lý vi phạm chéo giữa các địa bàn, đặc biệt là vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Vậy hiệu quả của công tác phối hợp kiểm tra chéo hiện nay thế nào?

Trung tá Đào Việt Long: Xuất phát từ tinh thần xử lý vi phạm “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội đã chủ động tham mưu cho Ban giám đốc tổ chức triển khai thực hiện xử lý chéo địa bàn. Sau hơn 1 tháng thực hiện đã đạt được kết quả đúng như kỳ vọng, việc bố trí lực lượng theo phương án của các đơn vị sẽ giữ nguyên, ngoài ra sẽ tăng cường tổ tuần tra, kiểm soát của các đơn vị liền kề hay những đơn vị khác nhằm tạo sự minh bạch, khách quan khi xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Đặc biệt đối với hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác, tổ đánh chéo bố trí đầy đủ quân số và trang bị đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ; ngoài máy đo nồng độ cồn chúng tôi còn bố trí camera giám sát cả quá trình tổ làm nhiệm vụ và người vi phạm nếu có. Sau một thời gian triển khai, hành vi vi phạm người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia có dấu hiệu giảm hẳn, giảm thiểu nguy cơ TNGT.

PV: Để việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn thực sự đi vào chiều sâu và hiệu lâu dài, theo ông, chúng ta cần có những giải pháp và phương thức nào?

Trung tá Đào Việt Long: Chúng tôi đã chủ động tham mưu cho Ban giám đốc thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát kiểm tra các phương tiện tham gia giao thông cả ô tô và xe máy; chọn ra những tuyến đường tập trung nhiều nhà hàng, quán bar để kiểm tra, xử lý và xác định các mốc thời gian mà người điều khiển phương tiện hay vi phạm, bố trí các tổ tuần tra, kiểm soát đảm bảo khép kín thời gian và địa bàn. Đặc biệt đối với các tổ đánh chéo sẽ có phương án bất ngờ để hạn chế tối đa những hành vi vi phạm.

Qua đánh giá từ khi triển khai Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 đến nay TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí. Điều này cho thấy khi lực lượng chức năng xử lý nghiêm, bên cạnh đó là công tác tuyên tuyền đã tác động rất tích cực đến người dân, từ đó xây dựng nên văn hóa khi tham gia giao thông.

Sắp tới chúng tôi tiếp tục duy trì các tổ tuần tra, kiểm soát và sẽ tham mưu, đề xuất các cấp lãnh đạo bố trí lực lượng xử lý tập trung vào chuyên đề người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia vào kế hoạch xử lý thường xuyên của lực lượng CSGT.

PV: Xin cảm ơn ông.