Thể xác đã theo cánh hạc về nơi cuối trời, nhưng giọng đọc của bà còn đọng mãi trong tâm khảm của nhiều thế hệ thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam, trong đó có nhiều bạn bè quốc tế và cả những cựu binh sĩ Mỹ tham chiến ở Việt Nam cảm phục gọi bà với biệt danh Hanoi Hannah.

12_tqkx.jpg
Hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọ trên báo Mỹ năm 1966

Năm 1955, bà Trịnh Thị Ngọ, lúc đó là một nữ sinh, đến làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam qua lời giới thiệu của một người bạn với suy nghĩ là tự nguyện làm một việc gì đó để tham gia công tác cách mạng.

Đài Tiếng nói Việt Nam lúc đó đang cần người đọc tin tiếng Anh. Bà vốn được học tiếng Anh, yêu tiếng Anh qua những bản nhạc và bộ phim tiếng Anh, trong đó có bộ phim “Cuốn theo chiều gió”, nhưng việc làm phát thanh viên tiếng Anh ở Đài thực sự đánh dấu sự trưởng thành của bà.

Ở đó, bà Ngọ bắt đầu tập thể hiện các tin bài bằng tiếng Anh, sao cho để người nghe hiểu được ý nghĩa của những thông điệp được truyền đi qua cách phát âm và nhấn nhá câu chữ.

Bà Ngọ bộc bạch: “Có tiếng Anh rồi thì tôi đến Đài làm việc rất thuận tiện. Nhưng phải nói bước đầu công của các chuyên gia đào tạo rất lớn. Không những đọc cho đúng giọng mà còn đọc tin ra tin, câu chuyện ra câu chuyện, bình luận ra bình luận. Những cái đó có đặc thù riêng. Cho nên có những người Việt Nam tiếng Anh rất giỏi nhưng nói người ta không hiểu, vì đọc không đúng ngữ điệu”.

Nhiều thính giả từ các nước Đông Nam Á, các nước Bắc Âu nghe các chương trình phát thanh đối ngoại bằng tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam rất yêu thích giọng đọc Thu Hương - Trịnh Thị Ngọ.

Ảnh tư liệu

Năm 1965, khi lính Mỹ ồ ạt trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Cục địch vận (Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng) làm một chương trình tiếng Anh dành riêng cho lính Mỹ lấy tên là chương trình “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ” (A small talk to American Gi’s), giúp họ có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến tranh Mỹ đã gây ra ở Việt Nam.

Kể từ đó, tên tuổi của bà Trịnh Thị Ngọ gắn liền với chương trình phát thanh này. Các buổi phát thanh địch vận của bà Trịnh Thị Ngọ được phát vào ban đêm, sau một ngày dài diễn ra chiến sự. Câu mở đầu của chương trình thường là: “Đây là Thu Hương, trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở Nam Việt Nam...”

Lúc đầu, buổi phát thanh chỉ dài 5-6 phút mỗi lần và mỗi tuần có 2 buổi phát. Tuy nhiên, về sau tăng dần thời lượng và phát ngày 3 buổi, mỗi buổi 30 phút. Như vậy, mỗi ngày bà Trịnh Thị Ngọ có 90 phút phát thanh với hàng trăm nghìn binh sĩ Mỹ nghe Đài. Khi nói chuyện với binh lính Mỹ, bà chọn danh xưng “Thu Hương”, nhưng lính Mỹ gọi bà là "Hanoi Hannah".

Nữ phát thanh viên huyền thoại Hanoi Hannah - Thu Hương - Trịnh Thị Ngọ

Về cái tên này, bà Ngọ lý giải: "Hannah chỉ là một cái tên phụ nữ Mỹ thông dụng. Lính Mỹ gọi tôi như thế có lẽ cho thân quen. Tôi cũng đoán sự chơi chữ của lính Mỹ, VC là Việt Cộng, họ cũng gọi là Victor Charlie, Jane Fonda sang Việt Nam cũng được gọi là Hà Nội Jane. Bản tin của tôi phát đi từ Hà Nội, nên gọi là Hannah Hà Nội cho dễ nhớ. Sau này ngay cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi gặp, cũng gọi tôi là Hanoi Hannah ". 

Trong tâm trí của những lính Mỹ là thính giả của chương trình “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ” thời ấy, Trịnh Thị Ngọ là người sở hữu một giọng nói mà họ “vừa căm ghét, vừa nhung nhớ, vừa sợ hãi nhưng vẫn không thể không nghe”. Không ít lính Mỹ sau khi nghe những buổi trò chuyện với lính Mỹ của bà phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã tìm mọi cách để chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa và tìm cơ hội để trở về quê hương. 

Bà Trịnh Thị Ngọ bày tỏ: "Nguyên tắc đọc tin của tôi là phải thuyết phục, không quá thân mật nhưng không quá cứng rắn. Chọn từ ngữ cần dùng cho phù hợp. Với những cuộc trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở miền Nam Việt Nam, tôi không gọi là kẻ thù (enemy) mà gọi là đối phương (adversary). Các anh ở bên quân đội viết tin bằng tiếng Việt, tôi là một trong số những người chuyển ngữ sang tiếng Anh.

Khi đề cập thời sự cuộc chiến, tôi thường dẫn thêm lời báo chí Mỹ để thông tin có phần khách quan. Thông điệp mà tôi cố gắng truyền đạt đến từng lính Mỹ là: Các anh đang chiến đấu cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa và sẽ chết một cách vô ích!".

Chiến tranh kết thúc, chương trình cũng kết thúc, nhưng rất nhiều nhà báo Mỹ vẫn tìm đến Việt Nam để hỏi chuyện bà, rất nhiều cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam vẫn giữ những bản thu những buổi phát thanh của bà.

Ngày 30/4/1975, bà  Trịnh Thị Ngọ vinh dự là người được đọc trực tiếp bằng tiếng Anh, thông báo với thế giới sự kiện lịch sử của Việt Nam: “Sài Gòn đã được giải phóng, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập thống nhất”.

Bà Trịnh Thị Ngọ - ảnh chụp tháng 9/2015 (Ảnh: Minh Hạnh)

Sau ngày giải phóng, bà theo chồng vào miền Nam sinh sống và làm việc ở Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh cho đến lúc nghỉ hưu.Tiếp xúc với bà, mọi người dễ dàng nhận thấy sự kiên định, mạnh mẽ ẩn trong sự dịu dàng, nhẹ nhàng rất Việt Nam, điều đó đã thể hiện trong chính giọng đọc của bà.

Bà từng tâm sự: “Đọc tiếng Anh là một niềm đam mê. Và sau đó, tôi cảm thấy qua những buổi phát thanh mà mình được trực tiếp đọc thì tôi đã chọn đúng nghề. Mình yêu thích và nghề đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui. Nếu như có một cuộc đời thứ hai, thì tôi vẫn chọn làm phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam”.

Trong lịch sử của Đài Tiếng nói Việt Nam, những giọng đọc như bà Trịnh Thị Ngọ không chỉ góp phần làm nên sức mạnh của truyền thông, của phát thanh, mà còn góp phần đưa Việt Nam đến với thế giới, để bạn bè năm châu thêm yêu mến vả cảm phục Việt Nam.

 87 năm tuổi Trời, hơn 20 năm cống hiến cho sự nghiệp phát thanh, bà đã để lại cho hậu thế tấm gương lao động bình dị mà cao quý. Những người làm báo phát thanh ở VOV, nhất là thế hệ trẻ của Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia (VOV5) hôm nay như được nâng bước bởi niềm tự hào được là đồng nghiệp của nữ phát thanh viên huyền thoại Hanoi Hannah - Thu Hương - Trịnh Thị Ngọ./.