Sáng nay (29/6), thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 làm bài thi Khoa học tự nhiên với 3 môn thi thành phần gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học. Thời gian làm bài mỗi môn 50 phút.

Nhận định về đề thi môn Sinh học, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh Hệ thống giáo dục FPT cho rằng, cấu trúc đề thi môn Sinh chính thức khá tương đồng với đề thi minh họa trước đó Bộ GD-ĐT đã công bố.

Đề thi có 75% kiến thức ở mức nhận biết thông hiểu, 25% ở mức vận dụng và vận dụng cao, nhưng độ khó và phân hóa đã tăng lên rất nhiều. Kiến thức lớp 12 chiếm 90%, còn lại là kiến thức lớp 11.

"Đề thi đã loại bỏ gần như hoàn toàn các dạng Toán không mang bản chất Sinh học như trước kia, không còn các dạng Toán phải sử dụng mẹo mức, công thức. Bản chất Sinh học thể hiện rõ rệt nhất trong tất cả các đề thi tốt nghiệp, hay THPT quốc gia từ trước đến nay.

Các câu hỏi lý thuyết vận dụng cao được tăng cường vào phần Sinh thái học, dưới dạng kết quả các thí nghiệm, nghiên cứu khoa học. Để giải quyết các câu hỏi này, đòi hỏi không chỉ nắm thật tốt bản chất Sinh học mà cần có kĩ năng đọc hiểu tốt, phân tích, đối sánh để tìm ra ý đúng", thầy Hiền nhận định.

Theo thầy Đinh Đức Hiền, đề thi có xu hướng tương tự các đề thi đánh giá năng lực hiện nay. Đây là bước tiến cần thiết để đáp ứng chương trình GDPT mới 2018. Tổng thể đề thi khá dài, nếu đặt trong bối cảnh thi 3 môn trong cùng một buổi sáng sẽ gây nhiều khó khăn thí sinh, nhất là môn Sinh lại là môn thi cuối.

Mức độ phân hóa khá tốt, hoàn toàn có thể để các trường Y sử dụng làm căn cứ tuyển sinh. Dự đoán phổ điểm rơi chủ yếu mức 5-6, phổ điểm dự đoán sẽ có dạng phân phối chuẩn, số điểm 10 sẽ không nhiều, học sinh khá giỏi có thể dễ đạt 7-8, tuy nhiên mức 9-10 sẽ là thách thức lớn.