Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT 2024 của Hà Nội sẽ diễn ra trong 2 ngày từ 8/6 - 9/6 tới. Ngày 2/5, Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Với môn Toán, thầy Chu Văn Hà, giáo viên tại Hà Nội cho biết, cấu trúc định dạng môn Toán mang tính ổn định như các năm học trước với khoảng 75% câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu (9 ý hỏi) và khoảng 25% câu hỏi ở mức vận dụng và vận dụng cao (3 ý hỏi) với thời gian thi là 120 phút.

Cấu trúc đề thi minh họa đảm bảo kiểm tra bao quát được kiến thức cơ bản và khả vận dụng kiến thức kỹ năng trong đề để phân loại học sinh giỏi trong khoảng thời gian giới hạn 120 phút. Ba ý phân loại trong đề ở mức khó hơn so với đề thi chính thức năm 2023-2024.

Thầy Hà lưu ý học sinh nên chuẩn bị kỹ về kiến thức cũng như kỹ năng làm bài trước kỳ thi: "Kiến thức thi vẫn trọng tâm và bám sát cấu trúc đề thi nhiều năm trước. Trong thời điểm hiện tại các em cần chú trọng hai điều sau khi ôn luyện: Rèn luyện khả năng trình bày, và đảm bảo không bị mất điểm các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Tránh các lỗi sai thiếu điều kiện, tính toán sai, vẽ sai hình,… Với các câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao (ý ứng dụng hệ thức Vi-ét, ý cuối bài hình, bất đẳng thức; phương trình vô tỉ,.. các em nên tìm kiếm các dạng câu hỏi lạ xuất hiện trong các kì thi thử của các trường, các sở đề làm, để tranh bỡ ngỡ khi gặp dạng bài độc và lạ này trong đề thi chính thức. Tuy nhiên, đề thi luôn có xu hướng đổi mới, vì vậy ngoài những phần kiến thức trọng tâm này các em cần cập nhật tình hình đổi mới thường xuyên nhất là phần toán thực tế trong đề thi".

Còn theo cô Vương Thúy Hằng, giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội, đề thi được công bố giữ nguyên cấu trúc, hình thức và số lượng câu hỏi, không hề khó, nếu có quá trình ôn luyện tốt, kĩ năng và phương pháp làm bài tốt, thí sinh dễ dàng đạt được 7,5 – 8,25. 

Trong giai đoạn nước rút, cô Hằng lưu ý học sinh lớp 9 nên hệ thống kiến thức trọng tâm các văn bản/tác phẩm trong chương trình Ngữ văn. Các em nên lập bảng thống kê để có thể so sánh nhanh, nhìn ra sự giống/khác nhau của các văn bản/tác phẩm và thuận lợi tra cứu khi cần; đặc biệt chú ý các thông tin liên quan tới tình huống truyện, tác giả, hoàn cảnh sáng tác… Rà soát toàn bộ kiến thức thuộc phần Tiếng Việt (phép liên kết, cấu tạo câu, thành phần câu…) nên lấy những ví dụ đi kèm để làm rõ lí thuyết, thuận lợi trong việc ghi nhớ kiến thức. Trong đề thi luôn có yêu cầu viết đoạn văn trong đó có sử dụng… nên khi ôn tập, hãy dành thời gian viết những câu văn mẫu để tránh lúng túng khi làm bài thi.

Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần rèn luyện tốc độ viết bởi đây là bài thi tự luận, dù thời gian làm bài tương đối dài (120 phút) nhưng để tránh trường hợp thiếu thời gian làm bài, các em nên chuẩn bị trước về tâm lí, căn chỉnh thời gian khi luyện đề cho phù hợp. Ngoài ra, nên chú ý chữ viết, cách trình bày sạch – đẹp – rõ ràng để hoàn thành được bài thi tốt nhất.

Các em cũng cần trao đổi/đối chiếu kiến thức giữa các tài liệu ôn tập, xin ý kiến các thầy cô khi cần hỗ trợ. Đề thi có nhiều câu hỏi kiểm tra kiến thức, nếu không đảm bảo đúng, đủ sẽ dẫn tới mất điểm, vậy nên, không được chủ quan khi chỉ dựa vào một nguồn tài liệu trôi nổi, hoặc chưa được kiểm chứng.

Với môn Tiếng Anh, cô Lê Diễn, cho biết, về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như đề thi tuyển sinh vào 10 năm 2023, không gây ra sự xáo trộn trong việc ôn tập của thí sinh, phù hợp với mục tiêu tuyển sinh vào các trường THPT trên địa bàn Hà Nội.

Về cấu trúc và phạm vi kiến thức, đề thi gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 60 phút. Phạm vi kiến thức được hỏi chủ yếu nằm trong chương trình Tiếng Anh lớp 9, phần còn lại nằm rải rác ở các lớp thuộc cấp THCS. Số lượng câu trong mỗi phần không thay đổi, không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ, câu hỏi cực khó. Tuy nhiên, có một số dạng bài có sự thay đổi nhẹ khi giảm số lượng câu hỏi ngữ pháp, tăng câu hỏi từ vựng như dạng bài hoàn thành câu và điền từ vào đoạn văn.

Về độ khó của đề thi, khoảng 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và 30% phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Các câu hỏi ở mức nhận biết – thông hiểu là các câu hỏi ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng cơ bản, thường nằm trong chương trình học trong SGK. Tuy nhiên, các câu hỏi vận dụng – vận dụng cao là các câu hỏi ngữ pháp hoặc từ vựng nâng cao, đòi hỏi học sinh trong quá trình học cần tích lũy và mở rộng kiến thức hoặc câu hỏi ở dạng bài điền từ, đọc hiểu và viết, ví dụ như câu số 7, 8, 14, 21, 25, 36.

Cô Lê Diễn lưu ý, trong giai đoạn nước rút, thí sinh không nên hoang mang hay quá lo lắng sau khi thử sức với đề thi minh họa vì bản chất đề minh họa là để định hướng ôn tập, dù điểm tốt hay chưa tốt thì việc của các em là vẫn cần ôn luyện toàn diện, không nên tập trung luyện các câu hỏi quá khó. Các em vẫn ôn tập bình thường, trước tiên là nắm chắc các kiến thức trong SGK để xử lý tốt các câu hỏi nhận biết – thông hiểu. Vì nếu câu vận dụng, vận dụng cao đúng mà câu nhận biết, thông hiểu để sai cũng không có ý nghĩa vì điểm mỗi câu là như nhau.

Thí sinh cũng cần ôn tập kĩ hơn với phần kiến thức mình còn để sai bằng cách ôn lại lý thuyết và luyện tập thêm kiến thức đó.

"Trong quá trình luyện đề, rút kinh nghiệm từ các lỗi sai, ngoài việc nắm chắc ngữ pháp thì cần tăng cường thêm từ vựng vì theo đề minh họa số lượng câu hỏi từ vựng đã tăng. Bên cạnh đó, các em nên tập cho mình tính cẩn thận khi làm bài, đã có rất nhiều học sinh để sai các câu dễ mà lí do không phải vì các em không biết kiến thức đó mà do các em đọc đề nhanh, đọc nhầm, không gạch chân từ khóa, …dẫn đến tư duy sai. Các em cần luyện tập để hạn chế tình trạng này, tránh lỗi sai đáng tiếc.

Ngoài kiến thức thì kĩ năng làm bài cũng rất quan trọng. Các em hoàn thiện hơn các kĩ năng, kĩ năng ở đây là nắm được các phương pháp làm từng dạng bài, kĩ năng đoán nghĩa của từ, kĩ năng tìm thông tin trong bài đọc…Điều này sẽ giúp các em tìm ra đáp án nhanh và chính xác hơn", cô Diễn nhắn nhủ.