Hơn 82% thí sinh đỗ Y đa khoa ĐH Y Hà Nội nhờ điểm ưu tiên
Xét tuyển đại học: Có nên điều chỉnh chính sách cộng điểm ưu tiên?
Hà Nội tuyển sinh đầu cấp rà soát giải thưởng cộng điểm ưu tiên
Thí sinh cần lưu ý về sự thay đổi chế độ hưởng điểm ưu tiên
Cách tính điểm ưu tiên khi xét tuyển vào đại học hiện chưa công bằng?
Xét tuyển đại học:Chính sách cộng điểm ưu tiên gây nhiều tranh cãi
Theo nhiều thí sinh và phụ huynh, sẽ thật bất công khi một thí sinh có điểm thi rất cao vẫn phải nhường vị trí vào ngành học mình yêu thích nhất cho thí sinh thấp điểm hơn thuộc diện cộng điểm ưu tiên. Về phía các trường đại học, không ít ý kiến cho rằng: đã đến lúc phải điều chỉnh chính sách cộng điểm ưu tiên để tạo sự công bằng trong giáo dục.
Chính sách cộng điểm ưu tiên cần điều chỉnh cho hợp lý.
Kỳ tuyển sinh năm 2017, bên cạnh việc điểm chuẩn các trường đại học tăng đột biến thì điều khiến nhiều người bất ngờ nữa đó là không ít trường hợp thí sinh điểm thi cao "ngất ngưởng" vẫn trượt nguyện vọng 1. Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay, phân khúc thí sinh điểm cao khá nhiều và độ phân cách điểm số giữa các đối tượng này không rõ ràng. Bên cạnh đó, các thí sinh điểm cao chủ yếu tập trung vào một số ngành, một số trường “hot” nên đã dẫn đến hiện tượng: nhiều thí sinh điểm cao hơn nhưng không trúng tuyển vì không được cộng ưu tiên. Điều này khiến không ít thí sinh, phụ huynh tỏ ra bức xúc.
Đồng ý với nỗi bức xúc này, ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: chính sách cộng điểm ưu tiên như hiện nay thật sự không còn phù hợp do bộc lộ nhiều điểm bất cập. Điều này thể hiện rõ ở chính sách ưu tiên khu vực.
Ông Nguyễn Đăng Lý nêu quan điểm: “Bây giờ thông tin rộng rãi hết rồi và học sinh các nơi đã có thể tiếp cận các nguồn thông tin. Do đó, việc cộng điểm ưu tiên dễ dẫn đến sự bất hợp lý và không công bằng”.
Ủng hộ việc cộng điểm ưu tiên nhưng theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, chính sách giàu tính nhân văn này cần được điều chỉnh để tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Riêng đối với chính sách ưu tiên khu vực, nếu các trường đại học được tự chủ việc này sẽ có sự điều tiết hợp lý, hạn chế tối đa các trường hợp cao điểm rớt oan.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Theo quan điểm của tôi, chính sách cộng điểm ưu tiên theo đối tượng cần được giữ trên phạm vi toàn quốc. Đối với chính sách ưu tiên theo khu vực, nên giao quyền tự chủ về cho các trường. Khi đó, nhà nước cần quy định rằng với các khu vực khác nhau sẽ được hưởng mức điểm ưu tiên như thế nào. Nên có một mức điểm cụ thể hoặc khoảng điểm để các trường có kênh tham chiếu, tránh trường hợp cộng điểm lung tung”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, việc duy trì chính sách cộng điểm ưu tiên cho thí sinh là cần thiết. Vấn đề cần giải quyết là phải thu hẹp giãn cách điểm ưu tiên để không có sự chênh lệch quá lớn giữa thí sinh được cộng điểm ưu tiên với thí sinh bình thường.
Hiện nay, giãn cách giữa các nhóm đối tượng ưu tiên là 1 điểm và giãn cách giữa các khu vực ưu tiên là 0,5 điểm. Từ đó đưa đến khoảng cách giữa một thí sinh được ưu tiên nhiều nhất so với một thí sinh không được ưu tiên gì là 3,5 điểm, một số điểm không hề nhỏ. Với kỳ thi có gần 1 triệu thí sinh tham gia và với quy mô xét tuyển của một ngành có thể lên đến hàng ngàn thí sinh, việc cách nhau 0,5 điểm có thể dẫn đến hiện tượng đậu hay rớt của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thí sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Hiện nay với mức điểm cũng như các điều kiện học tập, giảng dạy ngày càng tốt hơn, cần phải xem xét lại chính sách ưu tiên. Việc này cần thực hiện trên cơ sở khảo sát các dữ liệu một cách đầy đủ, thận trọng để từ đó có thể đặt được mức điểm giãn cách phù hợp giữa các đối tượng hay giãn cách giữa các khu vực ưu tiên”.
Nhiều ý kiến cho rằng: Chính sách cộng điểm ưu tiên sẽ thực sự có ý nghĩa nếu có được điều chỉnh phù hợp với điều kiện sống hiện nay giữa các khu vực. Ngoài ra, cũng có người đề xuất không nên áp dụng chính sách này cho những ngành “hot”, ngành yêu cầu sinh viên chất lượng cao và phải siết chặt hơn hình thức ưu tiên khu vực để hạn chế những phát sinh không mong muốn./.
Năm 2016, chỉ có 99 thí sinh đỗ ĐH Y Hà Nội mà không có điểm cộng (ưu tiên, khuyến khích), chiếm khoảng 8%.
VOV.VN - Xét tuyển đại học, nhiều ý kiến băn khoăn về chính sách cộng điểm ưu tiên khu vực liệu có còn phù hợp trong điều kiện hiện nay.
VOV.VN - Đối với lớp 6, sẽ xét kết quả học tập, rèn luyện 5 năm tiểu học và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Thí sinh cần có minh chứng rõ ràng để được hưởng điểm ưu tiên theo đối tượng khi xét tuyển vào ĐH, CĐ như phải có bản sao Giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên.
VOV.VN - Một số hiệu trưởng trường đại học cho rằng, cách tính điểm ưu tiên trong việc xét tuyển đại học chưa công bằng nên Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh lại.
Mỹ Dung/VOV-TPHCM