Hiện nay, cả nước có trên 3,5 triệu gia đình được công nhận là “Gia đình hiếu học”, khoảng 40.000 dòng họ được công nhận là “Dòng họ hiếu học”. Tại 63 tỉnh, thành trong cả nước đều có Hội Khuyến học với hơn 9.600 trung tâm học tập cộng đồng.

Hoạt động Khuyến học, khuyến tài phát triển sâu rộng trên cả nước đã kích lệ phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong mọi tầng lớp nhân dân. Đây cũng là cơ sở để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Phóng viên VOVNews phỏng vấn ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

nguon-nhan-luc.jpg

Nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao sẽ đáp ứng nhu cầu xã hội

PV:Thưa ông, hiện nay, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đang phát triển nhanh, rộng khắp trong cả nước nhưng hoạt động lại không đồng đều giữa các địa phương. Theo ông, nguyên nhân là vì đâu và Hội Khuyến học Việt Nam sẽ có những biện pháp khắc phục tồn tại này như thế nào?

Ông Phạm Tất Dong: Nhìn chung, hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong thời gian qua ở nước phát triển rất nhanh, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Tuy nhiên, ở một vài nơi  hoạt động này vẫn còn rời rạc, chưa chuyên nghiệp.

Nguyên nhân là vì những Hội Khuyến học ở các nơi này hoạt động không có kinh phí. Đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến học còn ít, chủ yếu là những người đã có tuổi, nhà cách trụ sở của Hội đến 20km nên mỗi khi đi vận động người dân tham gia vào công tác khuyến học, khuyến tài rất khó khăn. Mặt khác, Ban lãnh đạo Hội không thường xuyên bám sát hoạt động khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Ngoài ra, cơ sở vật chất ở một số nơi còn hạn chế, không kết nối mạng internet để đội ngũ cán bộ, nhân viên liên hệ công việc vì hiện nay, chỉ có 1/3 tỉnh, thành có cơ sở vật chất với hệ thống công nghệ thông tin đầy đủ.

Trước những khó khăn ở các địa phương, Hội Khuyến học Việt Nam đang kiến nghị với Chính phủ công nhận Hội Khuyến học ở các địa phương là tổ chức xã hội đặc thù. Nếu được công nhận là tổ chức xã hội đặc thù thì sẽ có một số kinh phí nhất định để trả lương cho cán bộ, nhân viên làm công tác khuyến học, khuyến tài và trang trải cho các hoạt động của Hội.

Ông Phạm Tất Dong

PV: Phong trào xã hội học tập có vai trò rất lớn đối với chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn là nguồn nhân lực của Việt Nam hiện chưa đáp ứng được so với yêu cầu xã hội. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Ông Phạm Tất Dong: Có thể nói, nguồn nhân lực của chúng ta về trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề còn yếu, chưa thể đáp ứng so với nhu cầu xã hội. Điều đó nhận thấy là hiệu quả làm việc của những nhân viên, công nhân làm việc tại các công ty, nhà máy còn thấp. Chính vì vậy, khi xây dựng phong trào xã hội học tập, các địa phương phải chú trọng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có sức khoẻ dồi dào, trình độ chuyên môn cao, kỹ năng tay nghề thành thạo, phẩm chất đạo đức tốt. Nguồn nhân lực này phải biết tiếp thu và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào công việc.

Không chỉ dạy chữ cho người dân, chúng ta cũng phải chú trọng tới hướng nghiệp, đào tạo nghề, đặc biệt là tầng lớp thanh niên vì hiện nay, đội ngũ lao động có tay nghề cao ở Việt Nam còn ít.

PV: Để phát huy thế mạnh của một tổ chức xã hội đối với phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt hiệu quả, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ chú trọng vào những hoạt động trọng tâm nào, thưa ông?

Ông Phạm Tất Dong:Hội Khuyến học Việt Nam dự kiến trong thời gian tới sẽ có khoảng 10 triệu hội viên tham gia vào công tác khuyến học, khuyến tài. Để phong trào này hoạt động có hiệu quả, chúng tôi sẽ củng cố lại đội ngũ cán bộ, bộ máy hoạt động ở Hội Khuyến học các địa phương. Các Hội Khuyến học này phải có đủ nguồn lực, nhân lực và hoạt động thường xuyên, có hiệu quả, chứ không phải là “nay làm, mai nghỉ”.

Ngoài ra, trong nhiệm kỳ mới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập để mọi người dân, không kể già, trẻ, trai, gái… đều có quyền bình đẳng trong học tập. Phong trào này sẽ được ưu tiên mở rộng ở những địa phương, vùng miền khó khăn.

PV: Xin cảm ơn ông!./.