Vụ cô Nguyễn Thị Minh Hương – giáo viên trường Tiểu học An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng phạt học sinh bằng cách bắt uống nước vắt giẻ lau bảng đang thu hút sự quan tâm của xã hội.
Vụ việc đã khiến nhiều giáo viên, người dân cảm thấy phẫn nộ về hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo và một lần nữa gióng lên hồi chuông về việc xử lý các tình huống ở môi trường sư phạm.
Trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, TP Hải Phòng) |
Trách nhiệm của cô giáo và các bên đến đâu?
Theo Tiến sĩ (TS) Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, mỗi khi phát hiện ra những vụ việc căng thẳng giữa thầy cô giáo với học trò, học sinh đánh nhau, giữa phụ huynh với giáo viên ở trong trường học là cả xã hội đều rất phẫn nộ và đưa ra những giải pháp. Tuy nhiên, thực tế là tình trạng này chưa được cải thiện.
Trước sự đổi mới giáo dục, giáo viên luôn nghĩ phải làm việc chuẩn mực ở tất cả các hành động, việc làm và chịu áp lực không ngừng đổi mới trong giảng dạy dưới sự giám sát từ nhà trường, phòng ban, phụ huynh và xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, ngành Giáo dục và nhà trường chưa chú trọng đến tâm lý và những ức chế của giáo viên trong quá trình dạy học và trong cuộc sống.
Hành xử của cô giáo ở trường Tiểu học An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng phạt học sinh bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng là không thể chấp nhận được, đã vi phạm nghiêm trọng quy chuẩn về đạo đức nhà giáo.
Ngoài ra, phải phải chấm dứt hợp đồng giảng dạy với cô giáo này, cũng như cần xem xét lại trách nhiệm của địa phương trong việc tập huấn cho giáo viên kỹ năng giáo dục, xử lý tình huống ở môi trường sư phạm đến đâu. Họ có quan tâm đến tinh thần, tâm lý, vật chất của giáo viên hay chưa. Cách quản lý của nhà trường có gây nên sự ức chế dẫn đến giáo viên có hành xử không bình thường hay không.
TS Vũ Thu Hương cho rằng, một giáo viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng chuyên ngành sư phạm khác với một người tốt nghiệp chuyên ngành khác, rồi học thêm văn bằng của trường sư phạm. Bởi họ có thời gian học ở trường lâu hơn nên sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng giáo dục, xử lý tình huống dạy dỗ trẻ tốt hơn.
Được biết, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương tốt nghiệp một trường đại học kinh tế, sau đó học thêm văn bằng của trường sư phạm, ra trường là về trường Tiểu học An Đồng dạy học, đến nay mới được 7 tháng. Vì vậy, chúng ta phải đặt câu hỏi là cô giáo này học thêm văn bằng của trường sư phạm trong thời gian là bao lâu. Nếu học ngắn hạn nghiệp vụ sư phạm chỉ từ 3-6 tháng thì không thể có trình độ, các kỹ năng sư phạm như sinh viên chuyên ngành học từ 4-5 năm.
Nghề dạy học không chỉ đòi hỏi giáo viên biết truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn phải có tâm, biết kiên nhẫn trong nhiều sự việc. Đặc biệt là với những học trò nghịch ngợm, chưa biết điều tiết những hành động của mình thì giáo viên phải viết cách xử lý các tình huống.
Nếu giáo viên không được đào tạo bài bản thì việc xử lý các tình huống với học trò dễ gây phản tác dụng và trường hợp cô giáo ở trường Tiểu học An Đồng là một điển hình.
TS Vũ Thu Hương |
Cần thêm quy định chặt chẽ hơn
Theo TS Vũ Thu Hương, để ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc trong môi trường giáo dục, ngành Giáo dục cần có thêm những quy định chặt chẽ hơn đối với học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Ví dụ như phụ huynh không được phép vào trong lớp học trong giờ giảng bài mà nhà trường cần tổ chức tiếp đón và trả lời những thắc mắc của phụ huynh ở một phòng họp riêng, có lắp camera theo dõi. Nếu phụ huynh vào trường mà làm gì đó gây ảnh hưởng đến trường và học sinh thì có thể con họ không được học ở trường nữa.
Quy định với thầy cô giáo, nhà trường là không được xâm phạm vào thân thể, làm ảnh hướng đến tâm lý, danh dự của học sinh. Nếu giáo viên vi phạm thì có thể bị chấm dứt hợp đồng làm việc.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn để hướng dẫn cho cả giáo viên và phụ huynh xử lý các tình huống giáo dục trẻ. Việc giáo dục trẻ em là sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh, chứ không chỉ dồn hết về phía nhà trường./.