Ngày 31/3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam tổ chức gặp mặt báo chí để thông tin về những kết quả đã đạt được và những hoạt động tiếp theo của dự án: “Sáng kiến Bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái ở Việt Nam: Trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội bình đẳng hơn”.

img_6494_hdvd.jpg
Đại diện các cơ quan tại buổi gặp mặt báo chí
Dự án được khởi động từ tháng 10/2015 do Bộ Giáo dục - Đào tạo và UNESCO xây dựng. Dự án nhằm tăng cường việc thực hiện quyền của trẻ em gái và phụ nữ về giáo dục và loại bỏ những bất bình đẳng mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt tại gia đình, trường học và cộng đồng.

Đến nay, dự án đã xây dựng được các dự thảo kế hoạch hành động về bình đẳng giới cho ngành Giáo dục - Đào tạo, tài liệu khuyến nghị về tăng cường yếu tố bình đẳng giới và tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới và xóa bỏ định kiến giới trong chương trình sách giáo khoa…

Tổng cộng có gần 200 cán bộ giáo dục đã tham gia hội thảo tham vấn, tập huấn, nâng cao năng lực về lồng ghép giới và xóa bỏ định kiến giới trong chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015.

Ông Hoàng Bá Thịnh, cố vấn về giới của Ban Soạn thảo và đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, những kiến thức về giới sẽ sớm được lồng ghép, giới thiệu vào xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới và trong hoạt động dạy và học theo đúng tiến độ của dự án.

Ông Hoàng Bá Thịnh nói: “Chúng tôi đã định hướng, một là rà soát, giảm bớt những nội dung, hình ảnh mà có định kiến giới, bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa. Thứ 2 là tăng lên nội dung và hình ảnh minh họa về nhân vật nam - nữ, trẻ em trai, trẻ em gái cho cân bằng về giới trong sách giáo khoa. Thứ ba là nâng cao những nhận thức về bình đẳng giới cho các đội ngũ chuyên gia biên soạn sách giáo khoa, xây dựng chương trình, những giảng viên, giáo viên các cấp phổ thông để có được nhận thức về bình đẳng giới và giảng dạy lồng ghép về giới trong chương trình học của mình”.

Theo bà Sun Lei, cán bộ phụ trách Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công dự án này: “Ngày nay, truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và củng cố xã hội thông qua nâng cao nhận thức cộng đồng và thông tin đáp ứng quan tâm của công chúng. Bằng cách đó, truyền thông có thể là tác nhân trao quyền chính trị, xã hội và kinh tế cho trẻ em gái và phụ nữ.

Bằng cách giải quyết bất bình đẳng giới, tăng cường truyền thông có nhạy cảm giới và đưa tin bài, chương trình có quan điểm giới, các bạn có thể đóng có những đóng góp to lớn vào sự tiến bộ của trẻ em gái và phụ nữ và tăng cường hành động giải quyết bất bình đẳng giới”.

Dự án “Sáng kiến Bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái ở Việt Nam: Trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội bình đẳng hơn” gồm 3 hợp phần. Hợp phần 1 là nâng cao năng lực quản lý của ngành Giáo dục - Đào tạo. Hợp phần hai là: Lồng ghép giới trong xây dựng chương trình và sách giáo khoa cũng như trong thực tiễn giảng dạy. Hợp phần ba là: Nâng cao nhận thức cho các em học sinh, các bậc cha mẹ học sinh, thành viên cộng đồng và truyền thông.

Đài Tiếng nói Việt Nam tham gia trong hợp phần ba của dự án này./.