Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại tọa đàm “Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp” do Bộ GD-ĐT phối hợp với ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức sáng 14/12.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, vị thế của các thầy cô giáo với nghề được cả xã hội kỳ vọng. Nghề dạy học là nghề cao quý. Tuy nhiên, chính sự kỳ vọng này đôi khi tạo ra những áp lực cho thầy cô. Áp lực đối với giáo viên nếu không nhìn nhận một cách thẳng thắn trên tinh thần xây dựng thì không thể đưa ra giải pháp. Không chủ động giải quyết vấn đề mà sẽ bị cuốn theo. Ai cũng biết giáo dục đào tạo phải ổn định nhưng ổn định trong sự thay đổi bởi thế giới đang thay đổi rất mạnh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại tọa đàm |
Việc thay đổi như thế nào cho phù hợp để không tạo ra cú sốc, để đội ngũ giáo viên hưởng ứng một cách thật sự, tạo được động lực cho giáo viên là việc cần được quan tâm.
Chúng ta phải rất chủ động để tìm ra những nguyên nhân để xảy ra tình trạng khá phổ biến hiện nay khiến giáo viên bị áp lực, gây tâm lý lo âu trong nhiều thầy cô.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ muốn lắng nghe tâm tư, góp ý của các nhà giáo: “Tôi sẽ đến nghe khu vực khó khăn nhất như là miền núi để có cái nhìn tổng thể, thực tế xem rằng áp lực của các thầy cô. Chứ không thể nhìn hiện tượng, mà phải đi thực tiễn để biết thực tế áp lực của thầy cô giáo cụ thể ra sao”.
Theo Bộ trưởng GD-ĐT, áp lực với thầy cô giáo tạo nên từ nhiều thành tố. Trước hết từ chính bản thân các giáo viên và môi trường mà họ đang làm việc, từ cơ chế chính sách cho đến vị trí việc làm, thu nhập, đãi ngộ phụ cấp... Mặt khác, môi trường xã hội, phụ huynh và thậm chí là học sinh cũng là những nguyên nhân dẫn đến áp lực với giáo viên.
“Thực tế hiện nay là bố mẹ chỉ có 1-2 con nên tạo điều kiện hết mức cho con. Bên cạnh đó có những gia đình chiều con quá mức. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều học sinh khó dạy bảo và điều này cũng gây nên áp lực với giáo viên.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, áp lực với giáo viên trong giảng dạy là có nhưng họ có những việc làm không đúng là không thể chấp nhận được. Không thể đổ cho áp lực. Tất cả các thầy cô vin vào áp lực và có những hành vi đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực giáo dục thì chúng ta không chấp nhận. Giáo viên có những hành vi với học trò chưa đúng thì phải sửa sai, không sửa được thì phải loại ra khỏi ngành. Còn những thầy cô giảng dạy tốt cần được động viên, khích lệ”.
Bộ trưởng cho biết, chúng ta muốn giáo viên yêu nghề và cống hiến thì công việc phải ổn định và có thu nhập ít nhất là đủ sống.
Sắp tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung vào chính sách tuyển sinh các trường sư phạm để nhà trường tuyển sinh được các giáo sinh phù hợp. Phù hợp ở đây không phải chỉ là điểm cao. Bởi điểm cao là một điều kiện nhưng nghề giáo cần những phẩm chất riêng. Giáo viên phải có phẩm chất kiên nhẫn, yêu nghề, mến trẻ. Nếu không có mà cứ so sánh tiền lương hay những điều khác thì rất dễ xảy ra những vi phạm”.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, phần dạy chữ, chuyên môn có thể yên tâm nhưng cần quan tâm phần dạy người, đặc biệt rèn cho các giáo sinh phát triển phẩm chất của mình cho nghề giáo để khi ra trường thì có thể tự xử lý được nhiều vấn đề, tình huống sư phạm, đỡ bị động và áp lực hơn.
Ngược lại, những thầy cô chưa được trang bị, không phù hợp với nghề giáo, thậm chí có những cơ sở đào tạo trong một thời gian ngắn sau đó trở thành giáo viên thì việc bị đào thải là tất yếu.
Rèn đạo đức, lối sống của giáo sinh là cả quá trình chứ không phải chỉ có kiến thức không là được. Những yếu tố trong nhà trường để hình thành nên một giáo viên trong tương lai có ảnh hưởng rất lớn đến năng lực xử lý tình huống và giảm áp lực.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chia sẽ sẽ cố gắng làm sao chuyển thành chính sách sớm để hỗ trợ các giáo viên yên tâm, cống hiến cho ngành giáo dục./.
Tranh luận việc xử lý cô giáo phạt tát học sinh 231 cái
Bộ GD-ĐT yêu cầu xử lý nghiêm vụ cô giáo phạt tát học sinh 231 cái