Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã chính thức công bố tỉ lệ tốt nghiệp THPT 2015. So với năm 2014 (đạt 99,02%), tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 giảm 7,44%. Đây là tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
| ||
Tăng tỉ lệ học sinh trượt tốt nghiệp THPT cũng có nghĩa là đang có nhiều hơn các gia đình phải chịu nỗi buồn vì sau 12 năm đèn sách, con em họ đã không vượt qua được kỳ thi quan trọng. Một số người cũng bày tỏ nỗi buồn vì sao chất lượng giáo dục lại đi xuống như vậy? Lẽ ra năm nay tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT phải cao hơn năm trước mới là hợp qui luật?!
Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, chúng ta nên vui vì điều này có nghĩa chất lượng dạy học và thi cử đã thay đổi. Chúng ta đã có một thước đo mới giữa người có thực lực và người học kém. Và điều này thể hiện sát hơn với chất lượng giáo dục, được nhiều người mong đợi từ lâu.
Nhiều năm qua, xã hội đã rất trăn trở vì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao, không phản ánh đúng chất lượng dạy – học ở các trường. Có học, có thi, có đỗ. Học giỏi đỗ, học dốt cũng đỗ. Cách thi cử như vậy đã vô tình tạo sự bất công bằng với những em có thực lực, chăm chỉ học hành. Để tiến tới một nền giáo dục có chất lượng thì chúng ta không thể xuê xoa, cho qua tất cả để rồi cuối cùng “hòa cả làng”, học kiểu gì cũng thi đỗ. Điều này đã đem đến sự bất bình đối với nhiều người, đặc biệt là những người tâm huyết với nghiệp trồng người; triệt tiêu sự phấn đấu ở chính các em học sinh vì không có sự cạnh tranh, coi kỳ thi tốt nghiệp THPT như một cuộc chơi nhàm chán nhưng bắt buộc phải trải qua.
Còn nhớ, đã có lần Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đưa ra ý kiến xem xét nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi có tới 98-99% đỗ tốt nghiệp thì thi cử không còn mang ý nghĩa gì nữa.
Và với tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao như vậy, nhiều người cũng cho rằng, nên bỏ kỳ thi này mà chỉ xét tốt nghiệp là đủ.
Nghịch lý không phải lúc nào cũng đáng buồn. Cụ thể ở đây tỉ lệ đỗ tốt nghiệp giảm lại đang khiến nhiều người vui. Bởi đây được đánh giá là kết quả quá trình nhiều năm qua chúng ta cố gắng thay đổi cách thức ra đề thi, áp dụng những kỹ thuật mới hiện đại của thế giới trong việc ra đề.
Theo phân tích của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 có giảm so với các năm trước, phản ánh đúng hơn kết quả học tập của học sinh. Công tác coi thi, kỷ luật trường thi chặt chẽ hơn; quy trình chấm thi 2 vòng độc lập được tuân thủ nghiêm ngặt hơn; do mục đích của kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh cao đẳng, đại học nên đã giảm tối đa hiện tượng học sinh giúp đỡ nhau làm bài trong phòng thi.
Từ đánh giá này của Bộ GD-ĐT có thể thấy rõ những bất cập của kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua mà tới bây giờ mới có dịp khắc phục. Kỳ thi lần này được đánh giá là gọn nhẹ, giảm áp lực cho xã hội, gia đình và thí sinh. Quan trọng hơn nữa, kỳ thi đã phản ánh đúng hơn chất lượng giáo dục, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ và có tác dụng thúc đẩy việc đổi mới dạy và học trong các nhà trường. Việc đánh giá đúng, trúng chất lượng học tập qua kỳ thi này cũng giúp nhiều gia đình không quá ảo tưởng vào con em mình, không phải nhất nhất thi vào đại học, cao đẳng mới có tương lai.
Kết thúc một kỳ thi để bắt đầu một kỳ thi mới. Kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên có nhiều điểm mà Bộ GD-ĐT phải rút kinh nghiệm từ khâu tổ chức thi, ra đề thi, công bố điểm thi… “Vạn sự khởi đầu nan”, nhưng đây lại là nền tảng quan trọng để Bộ GD-ĐT phân tích phổ điểm, phân tích các câu hỏi để rút kinh nghiệm trong việc ra đề đánh giá, phân loại trình độ học sinh cho kỳ thi năm tới./.