Từ nhiều năm nay, Gia Lai luôn là tỉnh có tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học xếp vào loại cao ở khu vực Tây Nguyên. Trong năm học 2015-2016 này, tình hình thêm xấu đi, với số học sinh nghỉ học lên tới gần 2.000 em và có xu hướng tiếp tục tăng; số học sinh nghỉ học mùa vụ cao gấp nhiều lần con số này. Thực tế này đòi hỏi Gia Lai cần phải có cách làm mới để giữ học sinh ở lại với trường lớp.

Làng Đê Btức, xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai có hầu hết dân cư là người đồng bào dân tộc Ba- Na. Cả làng có 139 hộ, nhưng chỉ có 2 học sinh học lên cấp 3. Lúc giáp mùa, vào làng, nhà nhà đóng cửa lên rẫy làm đất chuẩn bị xuống giống. Phần lớn trẻ em đang ở độ tuổi đi học đều nghỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ, đứa lớn lên rẫy, đứa nhỏ chưa biết làm rẫy thì đi chăn bò.

hoc_sinh_gia_lai_ylpo.jpg
Lớp học 7B, trường THCS Đắk Jơ Ta, tỉnh Gia Lai vào ngày thứ 2 chỉ có 8 em học sinh (ảnh: Internet)

Anh KRức, người làng Đê BTức cho biết, giống như mọi đứa trẻ trong làng, mỗi khi vào mùa, con trai anh đều nghỉ học từ 7 đến 10 ngày để lên rẫy phụ giúp bố mẹ:“Con trai tôi lúc học, lúc nghỉ để giúp bố mẹ trồng mỳ, trồng bời lời, làm ruộng, làm cỏ. Chúng tôi dạy cháu là đi học về thì cầm giấy học bài, nhưng nó không chịu. Nó theo bạn bè, anh chị đi chơi, đi tắm nước. Động viên nó, nó không đi học mà không đi học thì phải đi làm, phải cầm cuốc, cầm rựa đi làm rừng. Làng này học lớp 10, lớp 9 là về lấy chồng, lấy vợ rồi”.

Cùng với việc nghỉ học mùa vụ, ở làng Đê Btức còn không ít tình trạng bỏ học để lập gia đình bởi nạn tảo hôn vẫn khá phổ biến. Vào làng, không khó để bắt gặp một cô bé chưa bước qua tuổi vị thành niên nhưng đã trở thành mẹ như cô bé Thoan, sinh năm 2000.

Theo ông Jưk, bố của Thoan, gia đình luôn tạo điều kiện vật chất rất đầy đủ để con cái đi học. Thế nhưng, đành bất lực, để ước mơ chồng con của những đứa trẻ thay thế cho ước mơ học hành.

Ông Jưk nói:“Về xe cộ, cu Thuân có 1 chiếc, bé Thoan có 1 chiếc, nhưng nó không chịu đi học mà lại đòi đi xe máy. Nó không ước mơ về tương lai, mà ước mơ về có chồng, có con thôi. Cháu 15 tuổi lấy chồng rồi. Người Ba- Na mà, cứ thế mà làm. Tùy cháu vì việc ngăn cản khi có thai, bụng to tướng thế này thì làm sao được?”

Bà Trần Thị Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang cho biết, tình trạng học sinh bỏ học là vấn đề cố hữu của trường. Vào mùa xuống giống, trung bình mỗi ngày trường có 30% học sinh nghỉ học để lên rẫy phụ giúp gia đình. Nếu có mưa to đầu mùa thì số học sinh nghỉ học có thể là 50%.

Bà Trần Thị Minh nói:“Tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần tương đối thấp. Tư tưởng của người Ba- Na trước hết là phát triển kinh tế, rồi họ mới nhận thức đến phần cho con em đi học. Họ cũng nhận thức được là cũng cần cho con học để biết cái chữ. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế gia đình người ta tương đối là khó khăn, nên các bậc phụ huynh đa số muốn tận dụng cho các cháu tham gia lao động cùng gia đình, thỉnh thoảng cũng cho các cháu nghỉ, đặc biệt là những thời điểm giáp mùa như thế này”.

Theo Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Gia Lai, năm học này, toàn tỉnh có 1.837 học sinh bỏ học, từ cấp học tiểu học đến THPT. Con số học sinh nghỉ học thời vụ để phụ giúp gia đình cao gấp nhiều lần. Vừa qua, ngành Giáo dục đã tổ chức hội thảo bàn các giải pháp tháo gỡ vấn đề này và đã đề ra nhiều giải pháp để khắc phục.

Tuy nhiên, phần lớn các giải pháp đưa ra đều là những giải pháp cũ, như cấp gạo, cấp quần áo, sách vở cho học sinh, được áp dụng nhiều năm nay nhưng không cải thiện được tình hình.

Ông Hồ Văn Điệp, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai cho rằng, khi nào còn có nhiều thôn làng nghèo thì tình trạng học sinh bỏ học còn tiếp tục xảy ra. Vì vậy, để khắc phục căn bản vấn đề này, ngoài nỗ lực của ngành giáo dục trong việc đổi mới chương trình dạy học cho phù hợp, hấp dẫn hơn đối với học sinh dân tộc thiểu số, thì các đề án, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế cho vùng dân tộc thiểu số khó khăn của tỉnh cần phải được triển khai hiệu quả thiết thực.

 “Tôi nghĩ rằng, về lâu dài, đề nghị cơ quan lãnh đạo cấp trên quan tâm xây dựng đề án phát triển kinh tế xã hội đối với những làng đặc biệt khó khăn. Thực ra, nếu chúng ta không đưa vấn đề kinh tế vào để khơi dậy phát triển kinh tế thì rõ ràng ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của đồng bào dân tộc thiểu số” - ông Hồ Văn Điệp nói./.