Xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của một số ngành, có sự tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học... là những điểm mới đáng lưu ý trong Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2020 mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến đến hết ngày 21/2/2020.
Siết chất lượng ngành y và giáo viên bằng điểm sàn
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, về cơ bản, quy chế tuyển sinh năm 2020 giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020 như đã được công bố với thí sinh và xã hội. Tuy nhiên, dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non 2020 có sửa đổi một số nội dung đáng chú ý, như: Tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với khối ngành đào tạo giáo viên, ngành sức khoẻ; đặc biệt là quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối ngành này.
(Ảnh minh họa) |
Điểm mới nữa là, Bộ GD-ĐT chỉ quy định về tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Như vậy, chính thức từ năm 2020, ngành học mầm non dừng tuyển sinh hệ trung cấp. Việc này để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Trong đó, Luật quy định chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non là Cao đẳng sư phạm, giáo viên Tiểu học và Trung học cơ sở là cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên.
So với quy chế trước đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa học, bằng thứ hai, chương trình tiên tiến, theo đặt hàng và liên thông. Theo đó, người dự tuyển đào tạo cấp bằng đại học thứ hai là người đã có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên. Riêng các ngành khối sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề chỉ tuyển sinh đào tạo cấp văn bằng thứ hai đối với người có văn bằng thứ nhất thuộc khối ngành sức khỏe hoặc khối ngành tự nhiên.
Với các ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe, trong trường hợp sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia (THPTQG) và kết quả học tập Trung học phổ thông hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển với điểm thi THPTQG... ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi THPTQG, điểm kết quả học tập phải tương đương với các ngưỡng theo quy định như sau: Điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập Trung học phổ thông trình độ đại học với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng-hàm-mặt, dược học tối thiểu là 8,0 trở lên.
Liên quan đến ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của một số khối ngành, PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: Có một số ý kiến cho rằng, khối sư phạm nghệ thuật, thể dục thể thao chú trọng đến năng khiếu của người học hơn vấn đề học vấn. Vì thế, nếu quy định “điểm sàn” và các điều kiện quá cao sẽ khó để có thể tuyển được người có năng khiếu tốt. Vì vậy, đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung này để có quyết định hợp lý nhất.
“Mục đích chúng ta hướng tới là, dù đào tạo chính quy hay tại chức đều có chất lượng chuẩn đầu ra như nhau...”- PGS Nguyễn Phong Điền.
Hướng tới chuẩn chất lượng đầu ra
Một điểm đáng chú ý nữa đó là, dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay đã phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Các trường sẽ tự xác định phương thức tuyển sinh trên cơ sở các quy định của Quy chế tuyển sinh. Trên tinh thần ấy, các trường phải công khai trong đề án tuyển sinh. Ngoài ra, trong đề án sẽ cung cấp tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trong vòng 12 tháng. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, đối với các trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, cần đề cao trách nhiệm giải trình và bảo đảm tính khách quan, nghiêm minh, chất lượng của kỳ thi. Tránh tình trạng hợp thức hóa đầu vào bằng cách tổ chức một kỳ thi lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng.
Các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPTQG để sơ tuyển, xét tuyển, xác định và công bố công khai tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành. Trong đó, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội là các bài thi. Đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPTQG, dự thảo yêu cầu sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi/môn thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Hiện chỉ tiêu xét tuyển sinh theo kết quả của kỳ thi này vẫn chiếm tỉ lệ lớn, từ 40% đến 85% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Về đảm bảo mặt bằng chất lượng tuyển sinh, PGS Nguyễn Phong Điền phân tích: Dự thảo này có sự tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... Việc này nhằm bảo đảm mặt bằng chất lượng tuyển sinh trong cùng trình độ; đồng thời, dễ tra cứu, áp dụng pháp luật. Đây là điểm mới và quan trọng của dự thảo Quy chế tuyển sinh năm nay. Trước đây, quy chế tuyển sinh chỉ áp dụng cho loại hình đào tạo chính quy. Vì thế việc tích hợp như trên là hợp lý, bởi theo kế hoạch, tháng 3 tới Bộ GD-ĐT sẽ ban hành Thông tư liên quan đến nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học. Theo đó, trên văn bằng sẽ không ghi loại hình đào tạo mà chỉ bổ sung ghi vào phần phụ lục. Hơn nữa, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, sẽ không phân biệt loại hình đào tạo./.
Tuyển sinh 2020: Nhiều ngành mới và phương thức tuyển mới