Với quá nhiều đổi mới từ cách thi đến phương thức xét tuyển, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay đang khiến nhiều thí sinh cảm thấy băn khoăn, lo lắng. Di chuyển nhiều, phải thường xuyên cập nhật thông tin thứ hạng trên mạng, nhưng nhiều thí sinh vẫn chưa thật sự an tâm với những nguyện vọng của mình.
Thi được 25,25 điểm nhưng đến thời điểm này, Nguyễn Đại Dương - thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Sư phạm tiếng Pháp, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh vẫn cảm thấy lo lắng vì ngành muốn vào học đang có quá nhiều người quan tâm, trong khi chỉ tiêu của trường chỉ có 110 sinh viên.Thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH Kinh tế Quốc dân |
Nguyễn Đại Dương cho hay: “Ngày nào em cũng phải canh, chờ xem thứ hạng mình bao nhiêu. Khi nộp hồ sơ đã phải xếp hàng rất dài rồi, việc rút hồ sơ cũng sẽ tốn rất nhiều thời gian”.
Những thí sinh tại thành phố như Nguyễn Đại Dương đi lại mất công đã đành, thí sinh thi cụm địa phương muốn nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh còn cực khổ hơn. Dương Nguyễn Tường Vy ở tỉnh Tiền Giang, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển ngành Khoa học vật liệu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh tâm sự: “Mọi năm chỉ cần thi xong, chờ kết quả là chúng em nộp hồ sơ nhập học. Trong khi đó, năm nay khi thi xong tụi em phải tự đi nộp hồ sơ. Đối với những thí sinh ở tỉnh như em phải cập nhật thông tin thường xuyên trên mạng xem mình có nằm trong top an toàn hay không. Nếu không an toàn phải rút hồ sơ ngay. Kinh phí đi lại và thời gian sẽ tốn kém nhiều hơn so với năm trước”.
Đối với các thí sinh tự do mối lo còn lớn hơn vì những đổi mới của kỳ thi “2 chung” yêu cầu các em phải di chuyển nhiều cũng như cập nhật thông tin thường xuyên hơn để thay đổi lựa chọn kịp thời, tăng khả năng trúng tuyển.
Thí sinh Trần Thùy Dương ở tỉnh Bình Thuận, nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Chúng em cảm thấy vô cùng vất vả, đường sá không biết mà hồ sơ phải nộp đúng nơi, đúng chỗ. Chúng em phải đi lại nhiều vòng để nhận kết quả. Đối với những thí sinh tự do ở vùng xa như chúng em, vì điều kiện không có nên rất khó khăn. Chúng em mong muốn, Bộ GD&ĐT ghi nhận ý kiến này để đợt thi lần sau dễ dàng và đỡ vất vả hơn cho thí sinh”.
Nhiều người lo rằng, nếu không được tư vấn, hướng nghiệp kịp thời, sắp tới rất có thể sẽ xảy ra tình trạng thí sinh ồ ạt rút hồ sơ tại các trường. Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện của Bộ Giáo dục – Đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, để chủ động hơn trong việc chọn nguyện vọng, thí sinh cần nghiên cứu kỹ điểm chuẩn của ngành học mà mình yêu thích từ năm 2014 trở về trước để ước lượng cơ hội trúng tuyển nhằm nộp hồ sơ vào trường có cơ hội đậu cao hơn.
Ông Nguyễn Quốc Cường nói: “Trước những thay đổi cơ bản về việc tổ chức thi và xét tuyển vào đại học, cao đẳng trong năm nay, các vị phụ huynh cũng như các em học sinh cần hết sức bình tĩnh. Nếu các em thấy hồ sơ của chúng ta có cơ hội trúng tuyển cao có thể yên tâm chờ đợi đến cuối thời gian xét tuyển. Tránh việc đến trường rút hồ sơ nộp sang trường khác rồi thấy không ổn lại đi nộp ở một chỗ khác nữa. Như vậy rất mất thời gian cũng như tốn kém về tiền bạc, công sức. Chúng tôi thật sự muốn khuyên các em rằng, việc lựa chọn ngành nghề cho mình mới là điều quan trọng nhất chứ không phải bằng mọi giá để vào được đại học”.
Còn chưa đến 2 tuần nữa là kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1 của các trường đại học, cao đẳng. Điều các thí sinh cần làm lúc này là cập nhật thông tin thật kỹ, nghiên cứu điểm chuẩn các năm để đưa ra lựa chọn khả thi nhất với số điểm mà mình đã đạt được trong kỳ thi “2 chung”./.
Thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH Kinh tế Quốc dân |