Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm 2020, lãnh đạo các trường đại học đã đóng góp nhiều ý kiến để quá trình tuyển sinh của các trường đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh. Đó là vấn đề về tư vấn tuyển sinh, đào tạo nhân lực cho các vùng đặc thù...
Những năm gần đây, trong khối trường thuộc lực lượng vũ trang vẫn có hiện tượng thí sinh đủ điểm trúng tuyển, nhưng khi khám sức khỏe lần 2 lại không đủ tiêu chuẩn dẫn đến không được nhập học. Theo đại diện Học viện Kỹ thuật quân sự, nguyên nhân gồm cả chủ quan và khách quan, trong đó không loại trừ nguyên nhân do tình huống bất ngờ xảy ra trong quá trình thí sinh chờ kết quả thi. Trong trường hợp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những quy định riêng để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
"Học viên trúng tuyển rồi nhưng khi bắt đầu nhập học lại phải kiểm tra sức khỏe một lần nữa, nếu như các em không đảm bảo sức khỏe là các em không được theo học. Bởi vì ngoài chuyện sức khỏe kiểm tra chưa được chặt chẽ nhưng cũng có thể có những cái bất ngờ xảy ra trong thời gian các em trúng tuyển đến lúc các em nhập học. Tất cả lúc đấy các trường đều đóng hết rồi. Chúng tôi cũng kiến nghị khi nếu các em không đủ tiêu chuẩn sức khỏe để nhập học vào khối trường vũ trang thì vẫn có thể được học ở các trường khác, chứ không lúc đó các em tự dưng không có chỗ nào để học", vị đại diện này cho biết.
Về mức điểm chuẩn trong khối ngành Y dược, ông Ngô Thanh Bình, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Y dược Thái Bình cho biết, qua công tác tuyển sinh từ năm 2015, trong việc đào tạo nhân lực cho khu vực “3 Tây” (gồm Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ), mức điểm trúng tuyển của những thí sinh này thấp hơn 2 điểm so với những thí sinh khác, song sinh viên vẫn có thể hòa nhập và học tập tốt. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cân nhắc việc giảm mức điểm này xuống còn 1 điểm như dự thảo.
"Với tiêu chí thấp hơn 2 điểm so với điểm trúng tuyển của trường đối với ngành sức khỏe, tôi thấy các em ở các địa phương vẫn hòa nhập tốt, học tập tốt, tương đương với các bạn trúng tuyển với điểm xét tuyển của nhà trường. Tuy vậy, trong quy chế năm nay dự kiến điểm này chỉ còn có 1 điểm, tức là thấp hơn 1 điểm, chúng tôi đề nghị Bộ cân nhắc thêm vì có thể là trong việc thi cử, chênh nhau 1 điểm đối với ngành sức khỏe và đặc biệt là ngành y khoa với điểm chuẩn khoảng trên dưới 24 điểm tùy từng trường thì việc thấp hơn 2 điểm thì các em vẫn có thể theo học được", ông Bình cho hay.
Một vấn đề khác cũng được nhiều trường đề cập đó là trong mùa tuyển sinh năm 2019, chỉ hơn 63% thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhập học, nguyên nhân một phần do các trường chưa làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cho thí sinh. Ông Dương Thăng Long, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà nội cho rằng khi sinh viên học ngành nghề không phù hợp với năng lực, sở trường sẽ dẫn đến chất lượng đầu ra không đạt yêu cầu. Vì vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa trường đại học, Sở Giáo dục và Đào tạo, trường phổ thông trong tư vấn hướng nghiệp cho thí sinh.
"Hiện nay, công tác hướng nghiệp vẫn đang triển khai nhỏ lẻ ở các trường. Đôi khi các trường phổ thông tư vấn nhưng không hiểu, hoặc chưa hiểu hết được các ngành nghề, định hướng đào tạo các trường đại học thì rõ ràng tư vấn ấy chưa đến đích. Chúng ta có nhóm xét tuyển, hay có các nhóm trường đại học thì hãy triển khai công tác tư vấn tuyển sinh ngay từ trước khi đăng ký, thậm chí rất mong sự vào cuộc của các Sở, các trường phổ thông để khi các trường phổ thông tư vấn hướng nghiệp thì cũng có thông tin từ các trường đại học. Đặc biệt là chúng ta sử dụng tư vấn trực tuyến hiện nay đang là xu thế", ông Long nhận định.
Đại diện các trường đại học cũng đề nghị các trường phổ thông hướng dẫn, kiểm tra kỹ hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, phiếu đăng ký xét tuyển đại học của thí sinh để tránh những sai sót các thông tin về ngành nghề đăng ký dự thi, mã đối tượng... để đảm bảo quyền lợi của thí sinh khi xét tuyển./.
63 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 15/3