Trong những năm gần đây, nhiều trường đại học (ĐH) đã thu hẹp ngành nghề đào tạo hiện có để mở rộng đào tạo ngành nghề mới. Điều này đang khiến xã hội đặt câu hỏi là trường mở ngành mới chỉ để tuyển sinh viên, tồn tại hay là thích nghi với sự đòi hỏi của thị trường lao động?
Mặt khác, một số trường ĐH lại mở ngành mới không đúng với đào tạo chuyên ngành đào tạo truyền thống nhằm thu hút sinh viên dẫn đến hiện tượng bão hòa, nhiều sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT (thứ 2 từ trái sang). |
Về vấn đề này, tại tọa đàm với chủ đề: “Tự chủ đại học: Nâng cao chất lượng đào tạo" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 9/9 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, giáo dục ĐH là để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Giáo dục ĐH cũng gắn với phát triển kinh tế-xã hội nên việc các trường ĐH mở ra những ngành nghề đào tạo mới cũng là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng sự thay đổi rất nhanh của thị trường.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là có những trường ĐH mở ra nhiều ngành nghề mới nhưng không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, thị trường lao động và doanh nghiệp. Đó là những trường không đáp ứng được các quy định pháp lý về việc mở ngành, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm.
Theo bà Thu Thủy, nếu việc mở ngành không đảm bảo chất lượng thì chính người học, thị trường sẽ “quay lưng” với nhà trường. Đây cũng là câu trả lời về chất lượng của một trường ĐH và việc mở ngành của trường đó có phù hợp hay không? trường ĐH đó tồn tại được nữa hay không?
Còn việc một số trường ĐH lại mở ngành đào tạo mới không đúng với chuyên ngành đào tạo truyền thống nhằm thu hút sinh viên dẫn đến hiện tượng bão hòa, nhiều sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm đã bị Bộ GD-ĐT cảnh báo.
Từ trước đến nay, Bộ đã đưa ra quy định để kiểm soát chất lượng đào tạo của các trường ĐH. Trong đó đặt ra yêu cầu trách nhiệm đối với lãnh đạo các trường ĐH rất cao. Nếu trường ĐH nào mở ngành không đúng, không đảm bảo chất lượng thì trong một thời gian ngắn hạn sẽ bị thị trường “đào thải” và phải trả giá cho việc làm của mình. Trong tương lai lâu dài thì trường này cũng sẽ bị mất uy tín và không thể tồn tại./.
Giáo viên hợp đồng: “Ngày khai giảng, tôi ứa nước mắt giữa công trường”
Nhiều sinh viên phải “giấu” bằng đại học để xin việc phổ thông