Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, kết quả sát hạch là cơ sở để quyết định giáo viên đó có tiếp tục được đứng lớp hay không.

Quyết định này ít nhiều gây hoang mang trong giáo viên bộ môn này, nhưng theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa việc làm này thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong chiến lược nâng cao chất lượng dạy vào học môn tiếng Anh.

giao_vien_tieng_anh_krzq.jpg
Ảnh minh họa.

Hơn 50% giáo viên tiếng Anh tại Thanh Hóa được đào tạo không chính quy; trình độ chuyên môn nhiều giáo viên có vấn đề…. dẫn đến chất lượng giảng dạy môn học này thấp và là một trong những tỉnh có điểm thi trung bình chung môn tiếng Anh tại các kỳ thi THPT Quốc gia nằm trong top cuối cả nước.

Trước thực trạng này, ngày 17/9/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025. Theo kế hoạch triển khai thực hiện đề án này, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thanh Hóa sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp học trên địa bàn tỉnh trong năm 2019, số lượng 1.180 giáo viên.

Về câu hỏi của phóng viên, đối với những giáo viên đã có chứng chỉ đạt chuẩn có phải tham gia đợt sát hạch này không?

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Nếu giá trị những chứng chỉ có độ tin cậy cao của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp như chứng chỉ châu Âu vẫn còn thời hạn thì đang nghiên cứu lại. Nhưng có thể vẫn phải kiểm tra lại, vì kiểm tra cũng là việc bình thường và không “tốn kém” gì cho bản thân các thầy cô giáo. Ngoại ngữ đã có trong người nên khi kiểm tra thì thể hiện khả năng ngữ pháp, đọc, nói… ra thôi”.

Ông Phạm Đăng Quyền cũng khẳng định, sau khi khảo sát đối với những giáo viên không đạt chuẩn muốn đứng lớp sẽ phải tham gia đào tạo để đạt chuẩn.

“Riêng về kinh phí thi, khảo sát và cấp chứng chỉ sẽ do ngân sách tỉnh chi trả, các giáo viên không mất chi phí nào. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, thi không đạt, các giáo viên phải đi học bồi dưỡng, hoặc tự bồi dưỡng. Kinh phí này các giáo viên phải tự túc. Có nghĩa anh phải tìm hình thức bồ dưỡng cho đạt yêu cầu thì mới có thể quay lại giảng dạy, chúng tôi không thể sử dụng giáo viên không đủ điều kiện để giảng dạy được”, ông Quyền khẳng định.

Quá trình khảo sát được triển khai thành hai đợt: Đợt một diễn ra chiều 9/3 và sáng nay (10/3), để khảo sát 630 người gồm giáo viên chưa đạt chuẩn; chưa tham gia khảo sát, đánh giá; giáo viên đã tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ sau khảo sát nhưng chưa đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Đợt hai (từ ngày 20 đến 21/4) sẽ khảo sát cho 550 giáo viên tiếng Anh gồm số đã tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ; giáo viên tự bồi dưỡng đạt chuẩn tính từ năm 2011 đến nay./.