Hai tuần nay, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai dạy, học, qua truyền hình đối học sinh lớp 1, 2 và lớp 6. Các khối lớp còn lại, tổ chức học trực tuyến trên các phần mềm kết nối qua internet ngay tuần đầu tiên của năm học. Việc triển khai dạy học qua internet và truyền hình tương đối thuận lợi đối với học sinh thành phố và các vùng lân cận, có điều kiện về hạ tầng công nghệ. Đối với các huyện miền núi cao như Nam Đông, A Lưới, công tác dạy học bằng hình thức này rất khó khăn. Bên cạnh việc dạy, giáo viên phải nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh của từng em, buộc phải tập trung học sinh theo nhóm để các em có thể sử dụng chung máy tính hoặc điện thoại. Cô giáo Trần Thị Tỷ Muội, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới cho biết: Trường có gần 300 học sinh, 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi nắm bắt tình hình học sinh, giáo viên phối hợp với phụ huynh ghép từng nhóm nhỏ để hướng dẫn, củng cố kiến thức sau khi học online.
“Trong tuần đầu, trường gặp rất nhiều khó khăn. Đó là dạy học online, học sinh có máy thì rất ít, nhiệm vụ của giáo viên là phải gom lại học sinh để học sinh có thể cùng nhau học tập. Mỗi nhóm như thế, trường phân một nhóm trưởng và cùng với giáo viên vào cuộc với các em. Cho nên, mặc dù có những khó khăn nhất định trong dịch nhưng trường cũng vượt qua được những khó khăn đó”- cô Muội nói.
Huyện A Lưới hiện có 48 cơ sở giáo dục, đào tạo với khoảng 12.000 học sinh các cấp. Trong đó, hơn 90% học sinh là người dân tộc thiểu số như Tà Ôi, Pa Kô, Cơ Tu, Vân Kiều. Đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, đa số học sinh không có phương tiện để học trực tuyến, học qua truyền hình. Thiếu phương tiện, máy móc, việc tiếp cận từ học trực tuyến của các em cũng hạn chế.
Ông Trần Viết Văn, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới cho biết, huyện đã chỉ đạo các trường giao nhiệm vụ cho giáo viên về nhà hướng dẫn, hỗ trợ từng nhóm học sinh: “Nếu quá trình dịch bệnh còn kéo dài hoặc diễn biến phức tạp, thì trên địa bàn chúng tôi đã có những phương án để dạy học hình thức khác như trực tuyến, rồi dạy học online. Đối với các xã vùng xa,hệ thông hạ tầng internet còn ít để khó khăn cho con em, cho học sinh hỗ trợ trong việc tự học online thì tỉ lệ dưới 50%, đặc biệt là hai xã Hồng Thủy và A Roàng dưới 15% mà học sinh có những thiết bị hỗ trợ cho việc học online này”.
Thực tế cho thấy, việc học qua sóng truyền hình và trực tuyến qua điện thoại, máy tính ở miền núi gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết những vấn đề trước mắt, nhà trường, giáo viên ở các huyện miền núi phải hết sức linh hoạt dạy học bằng nhiều hình thức. Các thầy, cô giáo cố gắng tìm cách chuyển bài đến với học sinh, kết nối thường xuyên, giúp học sinh củng cố và nâng cao kiến thức.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay: “Hai huyện miền núi là Nam Đông và A Lưới là hai địa phương cơ bản kiểm soát dịch tốt, nên lanh đạo tỉnh đã cho chủ trương hai địa bàn này được phép dạy học trực tiếp. Hiện nay cơ bản đã giải quyết được khó khăn của hai địa bàn huyện Nam Đông, A Lưới về việc thiếu các phương tiện học tập cho các em học sinh. Còn lại, các địa phương khác chúng tôi tiếp tục thực hiện hình thức dạy học online và dạy học trên sóng truyền hình”./.