Trao đổi với VOV.VN, thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết, một trong những nội dung thuộc chương trình Ngữ văn lớp 9 thí sinh cần lưu ý khi ôn tập, chuẩn bị thi vào lớp 10 là phần thơ hiện đại Việt Nam.

Theo thầy Nguyễn Phi Hùng, một số tác phẩm thơ hiện đại thí sinh cần học và ôn để chuẩn bị cho kì thi sắp tới bao gồm: Đồng chí (Chính Hữu), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận), Bếp lửa (Bằng Việt), Ánh trăng (Nguyễn Duy). Các tác phẩm này nằm trong chương trình học kì 1.

Sang học kì II, học sinh được học thêm những bài thơ khác như Sang thu (Hữu Thỉnh), Viếng lăng Bác (Viễn Phương), Nói với con (Y Phương), Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải).

Bên cạnh những bài thơ trong chương trình chính thức, còn có một số bài thơ nằm trong chương trình đọc thêm hoặc tự học theo hướng dẫn, ví dụ như Con cò (Chế Lan Viên), Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (Nguyễn Khoa Điềm). Các em cần đọc thêm các tác phẩm này để biết được nội dung, chủ đề chính hay những nét đặc sắc nghệ thuật nổi bật của văn bản.

Thầy Nguyễn Phi Hùng cho biết, trong quá trình giảng dạy, thầy nhận được rất nhiều thắc mắc của học sinh liên quan đến phần thơ hiện đại Việt Nam trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Trong đó, một số vấn đề nhiều học sinh thắc mắc như cảm nhận về sự kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn để tạo nên bức tranh đẹp về chân dung người lính trong bài thơ Đồng chí (Chính Hữu)?

Thầy Hùng lưu ý, nếu gặp phải câu hỏi này, thí sinh có 2 hướng để triển khai bài: “Thứ nhất, các em trình bày bài văn bám sát theo chân dung người lính. Và ở mỗi đặc điểm chân dung người lính, các em sẽ chỉ ra đâu là yếu tố hiện thực, đâu là vẻ đẹp lãng mạn của người lính.

Cách thứ hai, các em bám vào đặc điểm của các yếu tố hiện thực và lãng mạn để vẽ lại chân dung người lính. Khi đó dàn ý bài văn sẽ đi theo 2 ý lớn, ý thứ nhất là bức tranh hiện thực của người lính, ý thứ hai là vẻ đẹp lãng mạn của người lính. Hai phần này giống như hai mảnh ghép để ghép lại một bức tranh hoàn thiện, đầy đủ và sinh động về người lính những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

Các em có thể chọn cách nào cũng được, tuy nhiên để bài viết được hay hơn, các em nên bám sát vào hai khái niệm trung tâm của đề bài là hiện thực và lãng mạn để vẽ lại chân dung người lính”.

Cùng trong nội dung liên quan đến phần thơ hiện đại, thầy Hùng cho hay, nhiều học sinh lại gặp vướng mắc với câu hỏi như: “Có nhận định cho rằng, nhan đề bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” có sự vô lý. Em hãy đưa ra ý kiến của mình về nhận định này?

Để trả lời được câu hỏi trên, thầy Hùng cho biết, thí sinh có thể triển khai trên 2 ý lớn: “Thứ nhất, chúng ta đồng ý rằng nhan đề này có những điểm vô lí, và các em cần chỉ ra được những điểm vô lí đó.

Sau đó, các em cần lập luận rằng, điều vô lí này lại được lí giải một cách hết sức hợp lí, trong hoàn cảnh cụ thể của chiến tranh, cũng như trong phong cách của nhà thơ Phạm Tiến Duật...

Và ta khép lại rằng, nhan đề này là một nhan đề ấn tượng, vừa gợi lên ấn tượng về hình ảnh trung tâm của tác phẩm, qua đó hé lộ chủ đề của tác phẩm, đồng thời cũng thể hiện rõ được phong cách nghệ thuật của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Đó là nhà thơ luôn yêu thích những cái đẹp độc và lạ, luôn cố gắng khám phá và khai thác chất thơ của hiện thực chiến trường khốc liệt. Thơ ông là sự kết hợp giữa hiện thực gian khổ khó khăn của chiến tranh, và chất thơ, chất lãng mạn bay bổng lên từ hiện thực đó, tạo ra một phong cách độc đáo, một giọng thơ rất riêng của Phạm Tiến Duật”.

Bên cạnh đó, câu hỏi về “Ý nghĩa của cặp hình ảnh “bếp lửa” và “ngọn lửa” trong bài thơ “Bếp lửa” (Bằng Việt) cũng khiến không ít học sinh gặp khó.

Gợi ý cách làm bài, thầy Hùng lưu ý thí sinh cần triển khai theo hướng, hình ảnh bếp lửa là hình ảnh thực, xuất hiện trong những năm tháng tuổi thơ đầy gian khó của người cháu, và gắn liền với hình ảnh người bà. Đây còn là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng cho hình ảnh người bà với tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh và tình yêu thương nồng ấm dành cho con, cháu, làng xóm, cho kháng chiến và cho cả quê hương, đất nước.

Hình ảnh ngọn lửa là hình ảnh mang ý nghĩa khái quát, trừu tượng. Ngọn lửa này là biểu tượng cho ánh sáng, cho hơi ấm của tình thương mà cháu nhận được từ bà và quê hương. Ánh sáng và hơi ấm ấy tình thương ấy đã giúp cháu đi qua những vất vả gian khó của tuổi thơ để đến với một tương lai có cuộc sống đủ đầy. Ngọn lửa cũng là biểu tượng cho sức sống bất diệt trường tồn của những kỉ niệm ấu thơ đẹp đẽ, đồng hành cùng cháu trong mỗi bước đường của cuộc đời.

Đặc biệt, trong đề thi vào lớp 10 cũng thường xuất hiện dạng bài so sánh. Ví dụ, đề có thể ra “so sánh hình ảnh người bộ đội trong bài thơ “Đồng chí” và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

Để làm được dạng bài so sánh, theo thầy Nguyễn Phi Hùng, trước hết thí sinh cần phân tích từng đối tượng, chú ý yêu cầu cụ thể của đề bài. Sau đó, các em thực hiện việc so sánh bằng cách chỉ ra những nét giống và khác biệt của hai đối tượng đó. Cuối cùng là đánh giá chung về vị trí, vai trò, đóng góp của các nhà văn trong việc tạo ra những câu văn, câu thơ hoặc về hình ảnh nhân vật hay chủ đề.

Cụ thể, với đề bài trên, trước hết thí sinh cần phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, hoàn cảnh xuất thân, những khó khăn gian khổ mà họ phải đối diện, tâm tư tình cảm sâu kín mà họ gửi gắm, sự dũng cảm của họ hay tình đồng chí, đồng đội…

Nếu như hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng chí” vẽ ra trước mắt ta một bức tranh chân thực giản dị về hình ảnh người lính trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp thì đến với thơ của Phạm Tiến Duật, chúng ta lại bắt gặp những hình ảnh người lính trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Họ trẻ trung, ngang tàng, hóm hỉnh, với tâm hồn lạc quan và lãng mạn vô cùng.

Sau khi phân tích xong đối tượng người lính trong 2 bài thơ, thí sinh cần chỉ ra những nét giống và khác nhau trong hình ảnh người lính này. Cùng là hình ảnh người lính trong những năm tháng kháng chiến, ta nhận ra họ có rất nhiều điểm chung giống nhau, đó đều là những con người với tình yêu nước thiết tha, sẵn sàng rời bỏ làng quê, gác lại những ước mơ của bản thân để đến với nơi chiến trường khốc liệt. Khi ra chiến trường, họ đều phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Và trong hoàn cảnh ấy, họ đều làm ngời sáng lên những phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ.

“Sau đó, các em cần chỉ ra những điểm khác biệt, nếu như hình ảnh người lính trong bài thơ của Phạm Tiến Duật gợi lên nhiều xúc động và thương cảm thì hình ảnh người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” lại hoàn toàn khác. Những người lính này trẻ trung, ngang tàng, hóm hỉnh. Họ không đến từ những miền quê nghèo khó mà thường là những chàng trai có học vấn, được trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Họ có nhiều điểm khác biệt, từ ngoại hình, lời nói cho đến hành động, cử chỉ và vẻ đẹp tâm hồn...

Cuối cùng, ở phần đánh giá chung, các em có thể nêu lên rằng, những điểm giống và khác nhau ấy đều tôn vinh hình ảnh người lính - một hình ảnh cao đẹp trong những năm tháng kháng chiến; là kết tinh vẻ đẹp, khát vọng, ý chí, sức mạnh của cả đất nước, dân tộc trong những tháng ngày đánh giặc bảo vệ Tổ quốc. Và đó cũng chính là nhân vật trung tâm của văn học thời kì kháng chiến. Có thể nói, các nhà thơ đã rất thành công khi khắc họa các nhân vật này. Những hình tượng mà họ xây dựng sẽ còn sống mãi trong lòng người đọc nhiều thế hệ”, thầy Hùng hướng dẫn./.