Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành với nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là nội dung miễn học phí đến cấp THCS và lương nhà giáo xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương.

hoc_sinh_1_nwhp.jpg
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn học phí đến cấp THCS. (Ảnh minh họa).

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Hiến pháp 2013 cũng như các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về phổ cập giáo dục, căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng.

Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến cấp THCS tại các trường công lập.

Nói về đề xuất trên của ngành giáo dục, Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc miễn học phí tới cấp THCS là chủ trương đúng đắn, nhân văn và rất cần có sự ủng hộ của Chính phủ để đưa vào dự luật trình Quốc hội.

Theo GS Đào Trọng Thi, hiện nay, nước ta đang thực hiện phổ cập tới bậc THCS, nhưng lại chỉ miễn học phí tới bậc tiểu học. “Khi phổ cập giáo dục, có nghĩa là trách nhiệm và nghĩa vụ bắt buộc học sinh phải đi học, phụ huynh phải đưa con đến trường, nếu các em không đi học là vi phạm luật. Một khi đã bắt buộc như vậy, Nhà nước phải tạo mọi điều kiện để miễn học phí cho học sinh”. 

GS Thi cho biết, dù mức học phí cấp THCS hiện nay không quá cao, song vẫn có rất nhiều gia đình khó khăn, không có tiền cho con đi học.

“Khi đó, chúng ta cũng không thể ép phụ huynh cho con đến trường, Đương nhiên hiện nay ngành giáo dục vẫn có những chính sách hỗ trợ cho các học sinh thuộc diện khó khăn. Nhưng đã là phổ cập thì nên miễn học phí. Việc miễn học phí cấp THCS sẽ là một bước tiến trong thực hiện Hiến pháp”, GS Đào Trọng Thi nói.

Bên cạnh đó, GS Thi cũng cho rằng, nếu triển khai miễn học phí tới cấp THCS, ngân sách Nhà nước sẽ phải chuẩn bị một khoản kinh phí khá lớn. Nhận thấy đây là chính sách tiến bộ, song nhiều năm nay ngành giáo dục vẫn chưa thể thực hiện nguyên nhân cũng do nguồn ngân sách có hạn.

“Đến thời điểm này, nếu thấy có thể cố gắng để thực hiện thì tôi cho rằng vẫn nên cố gắng, vì chính sách này thực sự tiến bộ và nhân văn”.

Để nguồn lực miễn học phí đến cấp THCS, chuyên gia cho rằng ngân sách Nhà nước cần có những ưu tiên nhiều hơn cho giáo dục, song song với đó, nội bộ ngành cũng cần có sự tính toán lại về việc phân bổ nguồn lực cho các cấp học, không nên bao cấp, đầu tư như nhau giữa các bậc học.

Cụ thể, trong điều kiện ngân sách có hạn, nên ưu tiên cho các bậc học phổ cập, phổ thông nhiều hơn, tăng cường xã hội hóa tại các cấp học cao hơn như đại học, do ở cấp này, sau khi học, người học có thể thu hồi học phí ngay khi đi làm.

“Chúng ta nên xã hội hóa mạnh hơn ở đại học, đặc biệt có thể tăng học phí đối với những ngành học đang hấp dẫn với xã hội, ra trường có mức lương cao để đầu tư cho các cấp học thấp. Đối với những ngành học xã hội có nhu cầu, nhưng lại ít người học, thì vẫn cần có những chính sách hỗ trợ về học phí để khuyến khích”, GS Thi cho hay.

Cùng bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng: “Bản thân tôi hoan nghênh việc miễn học phí tới cấp THCS để hoàn thiện việc phổ cập. Nhưng cũng cần đặt ra câu hỏi liệu ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục có tăng? Lấy kinh phí ở đâu ra để giải quyết việc này, hay lại rút từ cái này, đập vào cái kia. Trong trường hợp, ngân sách chưa tăng, thì nên tính đến việc tăng lương cho giáo viên trước”.

TS Tùng Lâm cho rằng, mức học phí THCS không quá cao, nên phụ huynh vẫn có thể đóng góp, tuy nhiên, nếu đời sống giáo viên chưa được cải thiện, thì khó có thể tập trung cho việc cải cách giáo dục.

Theo thầy Tùng Lâm, trước mắt, khi nguồn lực còn hạn chế, có thể thực hiện từng bước bằng cách miễn học phí cấp THCS tại các vùng sâu vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn trước khi áp dụng đại trà trên cả nước.

Nói về đề xuất tăng lương giáo viên lên cao nhất trong thang bảng lương, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng đây là đề xuất hợp lý, xuất phát từ thực tế hiện nay lương giáo viên chưa đủ sống. Nhưng để tăng lương cho đội ngũ giáo viên hiện nay, cũng cần đến ngân sách, phải trả lời câu hỏi: “Tiền ở đâu ra”?“Để thực hiện được các chính sách này, chúng ta cần quản lý tài chính tốt, giảm lãng phí, tham nhũng, thất thoát tiền trước tiên”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh. 

Bên cạnh đó, TS Lâm cũng lưu ý rằng, việc tăng lương phải gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. “Những giáo viên có ý thức trau dồi kỹ năng, học tập để đổi mới sáng tạo thì nên có những khuyến khích về mặt lương bổng, ngược lại, với những người không có năng lực, tinh thần chủ động học hỏi thì không cần tăng lương”./.