Năm học mới này, thầy và trò trường tiểu học Long Phú B, xã Long Phú, huyện Long Phú còn nhiều nỗi lo về cơ sở vật chất trường học chưa được đầu tư đáp ứng đổi mới giáo dục. Thầy Trần Chí Thuộc, Hiệu trưởng trường cho biết, trường có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ. Với 19 lớp học, trường thu hút hơn 450 em học sinh tham gia, phần lớn là con em đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

Điều lo lắng là nhiều em học sinh của trường phải ngồi học trong phòng học tiền chế, được xây dựng theo kết cấu chủ yếu sử dụng tấm sắt, thiếc nay đã xuống cấp. Nền các phòng học và hành lang cũng xuất hiện nhiều chỗ lúng, hệ thống cửa sổ, vách che bị rỉ sắt và hư hỏng được nhà trường sửa chữa lại khá nhiều, bàn ghế thì cũ nát. Còn các phòng chức năng thì chỉ duy nhất có thư viện, với bên trong là vài tủ sách đã cũ và bàn ghế được nhà trường dựng lên từ hai tấm bảng đã hư hỏng để các em học sinh đọc sách.

Tương tự, cơ sở vật chất chưa đảm bảo trong giảng dạy cũng đang là thực trạng chung của trường tiểu học Long Phú A, thuộc ấp vùng sâu Bưng Thum, xã Long Phú. Theo quan sát của chúng tôi, ngoài ngôi trường đã được xây dựng hơn 15 năm nay với các phòng học đã xuống cấp, nhiều chỗ bi lúng và nứt được vá víu thì các trang thiết bị phục vụ học tập các em học sinh còn rất thiếu thốn, bàn ghế cũ không đúng  tiêu chuẩn đối với các em học sinh tiểu học.

Trường không có các phòng chức năng. Riêng thư viện thì lại kiêm nhiều bộ phận y tế, chứa nhiều trang thiết bị dạy học... Cô Đào Thị Thanh, Hiệu trưởng trường tiểu học Long Phú A cho biết: “Trường lớp, phòng học đã bị xuống cấp, bàn ghế học sinh cũng chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay, còn thiếu và không đủ kích cỡ cho học sinh tiểu học; đồ dùng học tập cho học sinh cấp một cũng thiếu và hư hao, lâu năm, giáo viên phải tự làm. Cơ sở vật chất chưa được đầu tư gì hết, chỉ là sửa chữa nhỏ”.

Nhiều năm trở lại đây, cơ sở vật chất trường học luôn được ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng quan tâm tăng cường nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới về công tác giáo dục. Tuy nhiên, những hạn chế, khó khăn về kinh phí nên còn một số trường học xây dựng lâu đã xuống cấp chưa được kịp thời sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới cũng như đầu tư trang thiết bị giảng dạy.

Theo thống kê, chỉ riêng huyện Long Phú còn khoảng 10 điểm trường cơ sở vật chất đã xuống cấp cần được đầu tư xây dựng, tập trung chủ yếu ở các xã vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa như trường tiểu học Long Đức B, tiểu học Châu Khánh B, tiểu học Phú Hữu A, trung học cơ sở Phú Hữu, trung học Tân Hưng A...

Ông Huỳnh Quốc Lâm, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Long Phú cho biết: “Chúng tôi quản lý 49 trường thì đến nay đã có 14 trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, còn lại hầu hết chưa đạt chuẩn và nhiều trường còn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư trang thiết bị giáo dục còn gặp khó khăn do nguồn kinh phí từ trên bố trí xuống còn ít; hoạt động phí của các điểm trường cũng được trang bị khá khiêm tốn vì thế mà việc sửa chữa, duy tu các công trình còn nhiều hạn chế”.

Tình trạng thiếu trường lớp, không đảm bảo cơ sở vật chất cũng như thiếu thốn nhiều phòng chức năng cần thiết tại các điểm trường vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa sẽ là trở ngại trong thực hiện đổi mới, nâng cao giáo dục và cân bằng chất lượng giáo dục giữa đô thị và nông thôn./.