Ngày 13/2, nhiều phụ huynh đã nhận được thông báo qua tin nhắn từ giáo viên chủ nhiệm về việc học sinh dự kiến sẽ đi học trở lại vào Thứ Hai (17/2) sau thời gian tạm nghỉ để phòng chống dịch Covid-19.

Cùng ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có công văn gửi Giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố; thủ trưởng các đại học, học viện; các trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi học sinh, sinh viên đi học trở lại.

dien_bien__ivgg_apcv.jpg
Nhiều trường dự kiến cho học sinh đi học trở lại sau ngày 16/2.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương, cơ cở giáo dục tham mưu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường nhân lực y tế cho trường học; bố trí đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản chỉ đạo đến từng nhà trường.

Đối với các địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học trở lại sau khi đã tiêu độc, khử trùng, vệ sinh bàn ghế, thiết bị dạy học, lớp học, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho học sinh (nước sạch và xà phòng), hướng dẫn học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên về cách thức phòng chống bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về dịch bệnh Covid-19, giúp cho học sinh biết cách phòng bệnh.

Đối với các địa phương có báo cáo trường hợp bệnh, ngoài yêu cầu trên, tiếp tục theo dõi sát tình hình và chỉ cho học sinh đi học trở lại khi đã có các biện pháp phòng bệnh cho học sinh. Đặc biệt, trường hợp nhiễm bệnh đã được tiến hành cách ly và không phát sinh ca mới thực hiện như khuyến cáo của Bộ Y tế.

Nhiều phụ huynh nhân được thông báo dự kiến đi học trở lại.

Trước đó ngày 12/2, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đã có văn bản góp ý gửi Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT) về việc phòng chống dịch Covid-19 trong trường học. Trong đó, để phòng chống dịch tại nhà cho học sinh trước khi đến trường, cha mẹ học sinh, sinh viên, học viên lưu ý các hoạt động giúp tăng cường sức khỏe cho học sinh và bản thân sinh viên, học viên.

Đối với trẻ em mầm non, học sinh, cha mẹ học sinh có trách nhiệm đo nhiệt độ cho học sinh. Nếu có sốt hoặc ho, khó thở thì chủ động cho trẻ nghỉ học và theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu cần thì đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Cha mẹ cho học sinh ở nhà nếu học sinh đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Đối với giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường, cùng sinh viên, học viên phải tự đo nhiệt độ. Nếu có sốt hoặc ho và khó thở thì chủ động báo cho nhà trường và nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe, nếu cần thì đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Đồng thời không được đến trường nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Tại các nhà trường, trước khi để học sinh quay trở lại học phải đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh và mỗi học sinh có một cốc nước dùng riêng, được vệ sinh sạch sẽ. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường. Nếu nhà trường cung cấp khăn mặt, khăn lau tay cho học sinh thì phải đảm bảo mỗi học sinh có 1 khăn riêng và giặt sạch khăn với xà phòng sau mỗi ngày học.

Tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Tập huấn cho giáo viên, cán bộ công nhân viên của nhà trường công tác phòng, chống dịch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học.

Các trường không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, tham quan thực tế, dã ngoại, học thêm. Tổ chức chào cờ tại lớp học.

Cũng theo văn bản này của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), nhà trường thông báo cho giáo viên, cán bộ công nhân viên của trường, cha mẹ học sinh, học sinh không cần đeo khẩu trang khi ở trường. Nhà trường sẽ khuyến cáo đeo khẩu trang khi cần thiết. Nhà trường quy định, hướng dẫn học sinh thực hiện rửa tay với nước sạch và xà phòng; che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh; không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay, gối, chăn… Nghiêm cấm học sinh khạc nhổ bừa bãi.

Trong thời gian học, khi giáo viên phát hiện học sinh có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở thì phải đưa đến phòng y tế ngay để kiểm tra, theo dõi, cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế xã/phường, cơ quan quản lý và cha mẹ học sinh. Nhân viên y tế tại trường học có trách nhiệm cung cấp khẩu trang và hướng dẫn đeo đúng cách cho học sinh nêu trên.

Khi giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở thì phải đến phòng y tế ngay để được kiểm tra, theo dõi, cách ly. Nhân viên y tế thông báo ngay cho trạm y tế xã/phường, cơ quan quản lý đồng thời cung cấp khẩu trang và hướng dẫn đeo đúng cách cho giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường nêu trên.../.

Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế):

Công tác khử khuẩn tại nhà trường

1. Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc có chứa ít nhất 60% cồn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa.

2. Trước khi học sinh quay trở lại trường:

- Tổ chức vệ sinh ngoại cảnh (phát quang bụi rậm, không để nước đọng, các dụng cụ chứa nước phải được đậy kín).

- Tổ chức khử khuẩn trường học một lần bằng cách phun hoặc lau nền nhà, tường nhà (nếu có thể), tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, phòng chức năng.

3. Trong thời gian học:

- Mỗi ngày một lần, sau giờ học nhà trường tổ chức lau khử khuẩn nền nhà, tường nhà (nếu có thể), bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, phòng chức năng.

- Mỗi ngày hai lần, sau giờ học buổi sáng và cuối ngày nhà trường tổ chức lau khử khuẩn tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can.

- Hạn chế sử dụng các đồ chơi, dụng cụ học tập bằng các vật liệu không khử khuẩn được.

- Đối với các phương tiện đưa đón học sinh: Mỗi ngày hai lần, sau mỗi chuyến đưa, đón học sinh tiến hành lau khử khuẩn tay nắm cửa xe, tay vịn, ghế ngồi, cửa sổ, sàn xe.

- Trong trường hợp có học sinh có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở tại trường học, nghi ngờ hoặc có xét nghiệm dương tính với vi rút Corona thì nhà trường phải thực hiện khử khuẩn theo khuyến cáo và hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.

4. Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy kín và thực hiện thu gom, xử lý hàng ngày.