Đợt 1 nộp hồ sơ xét tuyển đại học năm nay sắp kết thúc. So với năm 2015, trên thực tế, những quy định về nộp hồ sơ, xét tuyển, công bố kết quả xét tuyển…đều đem đến nhiều thuận lợi cho thí sinh. Một số khó khăn cho thí sinh trong đợt này cũng còn nhưng không đáng kể. Đó là nhận xét của những người làm công tác tuyển sinh ở các trường đại học và thí sinh ở TP HCM.

vov_xet_tuyen_1_iqxb.jpg
Phụ huynh đến đăng ký xét tuyển tại Đại học Mở TP HCM.

Ngày 11/8, trước ngày hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển đại học đợt 1 đúng 1 ngày, em Dương Tuấn Thành Kha ở quận Bình Tân mới tìm đến trường Đại học Kinh tế và Đại học Mở TP HCM để đăng ký. Bởi theo Kha với những quy định xét tuyển như năm nay, thí sinh chẳng cần vội vàng gì mà chen chân nộp hồ sơ những ngày đầu, cứ từ từ nghe ngóng, tìm hiểu, rồi quyết định nộp cho chính xác:  “Vì năm nay không theo dõi được tình hình xét tuyển của từng thí sinh nên em để những ngày cuối cùng mới nộp để có thời gian theo dõi qua báo chí tình hình xét vào, nộp hồ sơ ở các trường. Năm nay không được rút ra nộp vào như năm ngoái nữa cũng rất tiện là phải quyết định từ đầu, không có tình trạng chen lấn, chạy khắp nơi”.

Những thí sinh ở TP HCM và nhiều tỉnh lân cận chọn cách nộp hồ sơ xét tuyển vào những ngày cuối của đợt 1 này khá nhiều. Một số trường cũng đã dự báo tình hình này nên công tác tiếp đón, tư vấn, hướng dẫn cho thí sinh diễn ra khá suôn sẻ.

Quy định đầu tiên được cả các trường, phụ huynh lẫn thí sinh đánh giá cao là việc mỗi thí sinh được nộp hồ sơ ở 2 trường và mỗi trường được đăng ký 2 ngành. Với các trường, quy định này giúp chọn được thí sinh chất lượng hơn, thực sự quan tâm đến trường, đến ngành đã quyết định đăng ký. Cho nên, các trường từ cao đến thấp trong cùng một khối, một nhóm ngành có thể tuyển được thí sinh phù hợp. Còn với thí sinh, sự lựa chọn tập trung hơn, nhiều cơ hội vào ngành yêu thích hơn và nhất là chấm dứt cảnh chạy đôn chạy đáo, rút ra nộp vào, tránh được sự mệt mỏi, căng thẳng không đáng có như kỳ tuyển sinh đại học năm ngoái.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM nói: “Trong đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển vào 2 trường, mỗi trường 2 ngành. Trong khi năm 2015, thực chất thí sinh chỉ được đăng ký 1 trường, mặc dù trong 1 trường được đăng ký đến 4 ngành. Như vậy năm nay so với 2015, thí sinh được chọn ngành theo nguyện vọng của mình nhiều hơn là chọn trường. Chúng tôi cho rằng đó là thuận lợi lớn nhất cho thí sinh”.

 Việc mở rộng các hình thức nộp hồ sơ xét tuyển, nhất là hình thức nộp trực tuyến qua website của Bộ Giáo dục- Đào tạo, của các trường, được coi là một cải cách đáng kể, mang đến nhiều thuận lợi cho thí sinh. Một số trường như Đại học Sư phạm TP HCM hướng dẫn tận tình những thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển trực tiếp để chuyển sang nộp qua mạng, cho thuận tiện và cũng là để thí sinh có trách nhiệm hơn với sự lựa chọn của mình. Quan trọng hơn, hình thức nộp hồ sơ xét tuyển qua mạng đem đến rất nhiều lợi ích cho thí sinh ở xa, tiết kiệm được cả thời gian và tiền bạc. Gần cuối đợt nhận hồ sơ xét tuyển, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM đã nhận hơn 6.500 hồ sơ, gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh của trường, chất lượng thí sinh theo nhận định ban đầu là khá cao.

Ông Phạm Thái Sơn, Phó Phòng Đào tạo trường đại học này cho rằng: “Cho các  em đăng ký trực tuyến tạo điều kiện lớn cho thí sinh, nhất là các em ở vùng sâu vùng xa. Năm nay cộng thêm việc một số trường đại học hoãn và miễn lệ phí xét tuyển cũng la giúp cho các em vùng khó khăn tiếp cận việc đăng ký xét tuyển dễ dàng. Đồng thời trên cổng thông tin của Bộ Giaó dục- Đào tạo, những thông tin về ưu tiên và nhiều vấn đề khác khá minh bạch, cũng là rất tốt”.

Thí sinh được tư vấn trước khi điền vào phiếu đăng ký xét tuyển.

Bên cạnh các điểm thuận lợi, công tác xét tuyển năm nay cũng yêu cầu các trường không công bố lượng hồ sơ nộp vào, mức điểm chuẩn dự kiến, thông tin về từng hồ sơ… trên thông tin đại chúng, cũng là một điểm mới. Điểm này được nhiều thí sinh cho là khó khăn. Nhưng theo các trường, chính vì thí sinh khi đã nộp hồ sơ rồi thì không được rút hồ sơ ra đề nộp vào một trường khác nên việc không công bố thông tin cụ thể là đúng. Để chọn trường đúng với sở thích, lực học của mình, thí sinh có thể tham khảo điểm tuyển sinh của các trường, các ngành ở các kỳ tuyển sinh trước.

Ông Nguyễn Minh Hà, Trưởng Phòng Đào tạo, Đại học Mở TP HCM phân tích:  “Khi các em nộp vào thì các em không biết số lượng thí sinh nộp vào từng ngành của trường đó như thế nào. Nhà trường không công bố kết quả đó. Và khi các em đã nộp rồi thì không thể rút ra để nộp sang trường khác. Trường hợp một phiếu chỉ ghi một nguyện vọng, tức là bỏ mất 1 cơ hội, mà trường nhập thông tin và đưa lên hệ thống của Bộ rồi thì không có khả năng sửa được”.

 Theo dự báo, kết thúc đợt 1 xét tuyển đại học, các trường ở TP HCM sẽ tuyển sinh khoảng 70% chỉ tiêu. 30% còn lại thường rơi vào những trường tốp dưới, những ngành ít được ưa chuộng. Nhưng đây cũng là cơ hội để các thí sinh không trúng tuyển đợt 1 tiếp tục cân nhắc, lựa chọn trường học, ngành học phù hợp với mình./.