Luân chuyển giáo viên từ trường này đến trường khác là việc làm bình thường của ngành giáo dục. Tuy nhiên ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai việc luân chuyển giáo viên trong năm học mới khiến nhiều người bức xúc.

Chị Trần Thị Tâm (SN 1978) ở phường Yến Thế, thành phố Pleiku, là biên chế giáo viên của phòng GD-ĐT huyện Ia Grai, có con nhỏ mắc bệnh bại não.

Chồng chị Tâm là bộ đội thường xuyên vắng nhà. Trong 15 năm dạy học, chị Tâm cũng đã có 9 năm dạy ở xã vùng 3. Thế nhưng, vào năm học mới này, chị bị buộc điều chuyển tới xã Ia Tô, huyện Ia Grai.

dieu_chuyen_vov_rjfv.jpg
Nhiều giáo viên không đồng tình với Quyết định 61 ra ngày 5/2/2018 của UBND huyện Ia Grai, Gia Lai

Trong khi 6 giáo viên khác cùng trường với chị Tâm đã có 25 năm công tác mà chưa từng điều chuyển. Chị Tâm cho rằng, sự thiếu công bằng này là do cách tính điểm thi đua theo Quyết định số 61/QĐ-UBND “Quy định về việc tiếp nhận, điều động đối với viên chức giáo viên tại các đơn vị trường học” do UBND huyện Ia Grai ban hành ngày 5/2/2018.

“Chúng tôi ở vùng khó khăn, điểm thi đua không thể bằng giáo viên ở vùng thuận lợi được. Tôi về trường này 6 năm, thì 2 năm là lao động tiên tiến, 2 năm giáo viên giỏi cấp trường, 2 năm giáo viên giỏi cấp huyện. Tôi cũng không thua kém ai. Cộng năm công tác, cộng điểm ưu tiên, cộng điểm thi đua, cộng điểm bố mẹ là thương binh thì tổng điểm mới được 24 điểm. Còn người khác 25 năm công tác đã được 25 điểm rồi. Theo tôi, muốn công bằng thì điểm năm công tác ở vùng khó khăn phải cộng cao lên. Giáo viên thuận lợi thi đua với nhau, không thể tính thi đua với giáo viên vùng khó khăn được”, chị Tâm chia sẻ.

Theo Quyết định số 61 của UBND huyện Ia Grai, điểm xét điều động giáo viên là tổng của 4 loại điểm là thành tích, số năm công tác, thời gian công tác và điểm ưu tiên.

Theo cách tính này, những người có thời gian công tác dài ở vùng thuận lợi, có điều kiện tốt để phấn đấu sẽ có điểm cao hơn hẳn. Giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa sẽ gặp bất lợi.

Chính vì thế, ngay khi còn là dự thảo gửi về các trường, nhiều giáo viên đã gửi đơn, kiến nghị UBND huyện thay đổi cách chấm điểm.

Cuộc họp của lãnh đạo và phòng chức năng của huyện Ia Grai về những bức xúc xung quanh việc luận chuyển giáo viên năm học mới 2018-2019

Chị Lê Thị Hải, giáo viên dạy giỏi, có 9 năm công tác tại xã vùng 3 của huyện Ia Grai nhưng vẫn bị điều chuyển cho biết: “Qua 2 lần dự thảo, chúng tôi đều ý kiến nhưng không được chấp nhận. Chúng tôi làm thành biên bản gửi về nhà trường, có 4 giáo viên ký vào nhưng Phòng GD-ĐT huyện Ia Grai nói không nhận được ý kiến. Dự thảo và Quyết định 61 ra giống nhau. Sau đó, nhà trường cũng làm kiến nghị xin tạm hoãn cho giáo viên từng công tác vùng khó khăn. Chúng tôi cũng làm đơn sang Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai, mong được giúp đỡ”.

Từ sau khi Quyết định 61 của UBND huyện Ia Grai ban hành, rất nhiều đơn kiến nghị và thư của giáo viên các trường gửi tới Huyện ủy và UBND huyện.

Tại cuộc họp trước khai giảng năm học mới 1 ngày, ông Dương Mah Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai  khẳng định rằng, không thể vì bức xúc của giáo viên mà sửa Quyết định 61.

“Khi chúng tôi làm quy chế, chúng tôi phải tính hết. Có thể tính chưa hết thì cũng phải từ 80 đến 90 % phải được lượng hóa trong chấm điểm. Quy chế đúng đến đâu, phù hợp đến đâu thì chúng tôi phải tiếp tục điều chỉnh. Đã chấm điểm từ cấp trường, chỉ vì ý kiến của những người bị điều động mà sửa quy chế, có kết quả khác thì không ai làm thế. Chúng tôi tiếp thu, chỉnh sửa cho năm sau. Nguyên tắc của nhà quản lý là như vậy”, ông Tiệp nói.

Việc luân chuyển giáo viên ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai chưa được sự đồng tình của nhiều giáo viên. Họ cho rằng có điều mập mờ, áp đặt, thiếu minh bạch ./.