Một thực trạng đang diễn ra ở Nghệ An hiện đang dôi dư trên 1.500 giáo viên nhưng bên cạnh đó lại xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Tình trạng này đã gây khó khăn trong công tác giảng dạy và sắp xếp bố trí cán bộ của các nhà trường và các địa phương. 

Năm học 2015 – 2016, trường Tiểu học Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên có 10 lớp học. Theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo là 1,5 giáo viên/lớp thì nhà trường hiện đạt tỷ lệ 1,7 giáo viên/lớp, điều này cũng có nghĩa là nhà trường đã thừa 2 giáo viên.

Tuy nhiên, thừa nhưng lại thiếu cục bộ trong nhà trường bởi với 10 lớp học nhà trường phải bố trí 10 giáo viên chủ nhiệm, 5 giáo viên dạy học theo thời khóa biểu mới (mỹ thuật, thể dục, âm nhạc, ngoại ngữ, tin học), như vậy chỉ còn 2 giáo viên đảm nhiệm việc dạy các môn chung.

giao_vien_fapm.jpg
ảnh minh họa

Thầy giáo Võ Đình Khởi – Hiệu trưởng trường Tiểu học Hưng Thông cho biết: Khắc phục tình trạng này, nhà trường đã bố trí luân chuyển giáo viên; cử đi đào tạo lại và chuyển công việc khác. Vì thế hiện nay, cơ bản giáo viên dôi dư vẫn đang được hưởng các quyền lợi đảm bảo”. 

Huyện Hưng Nguyên hiện đang thừa cục bộ 175 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở, chủ yếu là các môn văn hóa. Nhưng ngược lại vẫn còn thiếu 42 giáo viên ở các môn Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh. Giải quyết vấn đề này, năm 2013 huyện Hưng Nguyên đã xây dựng đề án “Giải quyết tình trạng giáo viên, nhân viên dôi dư, thừa thiếu cục bộ”. Theo đó, huyện đã tạo điều kiện cho các giáo viên đi học chuyển đổi nhưng vẫn không thể đi đồng loạt một lúc, hoặc vì số lượng các môn học không đồng đều nên để sắp xếp bố trí lớp học gặp khó khăn. “Việc thừa thiếu cục bộ cũng dẫn đến những bất cập bởi chất lượng giáo viên không đảm bảo. Trong khi đó, rất nhiều sinh viên giỏi mới ra trường có trình độ, có chuyên môn lại không có cơ hội được tuyển dụng”, ông Lê Văn Mão – Chuyên viên Tổ chức cán bộ phòng Giáo dục và đào tạo huyện Hưng Nguyên thừa nhận. 

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện vẫn còn trên 1.500 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở dôi dư. Nguyên nhân của sự dư thừa này là do số lượng học sinh và quy mô trường lớp giảm mạnh trong những năm qua. Ngoài ra, từ năm 1996 đến 2004, việc tuyển dụng không được tính toán cụ thể nên dẫn đến thừa giáo viên ồ ạt, tuyển dụng không đúng với nhu cầu thực tế. 
Tháo gỡ thực trạng trên, phấn đấu đến năm 2018 cơ bản giải quyết được tình trạng giáo viên dôi dư, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Nội vụ Nghệ An tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Chỉ thị số 30 về tiếp tục chấn chỉnh tình trạng hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị; yêu cầu các huyện rà soát để chấm dứt hợp đồng lao động đối với các cá nhân mà đơn vị không có nhu cầu, không có nguồn thu. Bên cạnh đó, hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã xây dựng đề án giải quyết giáo viên, nhân viên dôi dư trong ngành giáo dục. Thực tế hiện nay đã có 12/21 huyện, thành, thị trên địa bàn Nghệ An đã xây dựng đề án và triển khai thực hiện đề án. 

Ông Ngô Tất Tiềm – Phó phòng Tổ chức biên chế Sở Nội vụ cho hay: “Đối với những giáo viên biên chế, một số địa phương đã bố trí giáo viên làm việc tại các Trung tâm Học tập cộng đồng, bố trí luân chuyển, biệt phái đến công tác ở cấp học còn thiếu giáo viên (các huyện Diễn Châu, Yên Thành đã đưa giáo viên trung học cơ sở dôi dư đang dạy ở Tiểu học); Tiểu học và trung học cơ sở dôi dư sang dạy mầm non sau khi được đào tạo bồi dưỡng như ở huyện Anh Sơn, Quỳnh Lưu; tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Đối với giáo viên hợp đồng: với môn năng khiếu thì tiếp tục ký hợp đồng; với môn văn hóa đang dôi dư thì chấm dứt hợp đồng và với giáo viên trẻ tuổi thì có thể cho đi đào tạo lại, cử đi học văn bằng 2 Tin học và Ngoại ngữ; học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ”. 

Riêng ngành giáo dục Nghệ An cũng đang tính toán để cân đối giáo viên, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tuyển dụng sai, ồ ạt. Đồng thời khuyến khích giáo viên đi học thêm văn bằng để có thể đáp ứng việc dạy tích hợp, chuẩn bị cho việc thay sách giáo khoa sẽ được thực hiện trong năm 2018”./.