Bà Nguyễn Thị Quế, nhà ở Thành phố Vinh, Nghệ An, năm nay đã ngoài 60 tuổi, cũng như mọi năm trước, sáng mùng 3 Tết âm lịch bà lại sửa soạn một phần quà mang về quê. Trước là thăm họ hàng, sau là thăm người Thầy đã gần 90 tuổi mà suốt đời bà vẫn ghi nhớ.
Bà Quế kể: Trong chiến tranh việc học hành vốn đã khó, người thầy kính yêu của bà đã nhiều lần động viên bà theo học, giúp đỡ cô học trò mình từng quyển vở, chai mực đến mớ sắn, rổ khoai, chai tương chống đói ngày giáp hạt. Thầy giáo còn là người cha, dạy dỗ những điều hay lẽ phải.
Giờ đã nghỉ hưu, bà vẫn thấy mình là cô học trò lớp 4 thủa nào, được che chở trong tình thương vô bờ bến của Thầy đối với những lứa học trò. Bà Quế cho biết, năm nào cũng vậy, gia đình bà đều đi chúc Tết Thầy. Ngoài việc thể hiện tình cảm bản thân đối với người thầy, gia đình còn muốn giáo dục con cháu về Lễ trọng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của cha ông ta.
Sáng mùng 3 Tết, thời tiết ở Thành phố Vinh nắng đẹp, không khí xuân tràn ngập phố phường. Trước các cổng trường, nhiều nhóm học sinh tụm ba tụm bảy hẹn chờ nhau để đi Tết nhà thầy cô. Những bó hoa tươi thắm, những quyển sách bọc giấy màu trang trọng là những món quà thành tâm mang theo lời chúc tốt lành đến thầy cô.
Chị Trần Thị Hương, cựu học sinh trường PTTH Hà Huy Tập tâm sự:“Thầy rất gần gũi, coi học sinh ai cũng như con cái của mình, dạy điều hay lẽ phải. Chúng tôi luôn coi thầy cô như người cha, người mẹ của mình và cầu chúc thầy cô sức khỏe, thành công trong sự nghiệp trồng người”.
Những câu chuyện đầu xuân trong tình thầy trò thắm thiết thật rôm rả. Trò chúc sức khỏe thầy cô, kể về những thành công trong năm qua. Thầy cô vui mừng về sự trưởng thành của học sinh. Ánh mắt bừng sáng trong hạnh phúc làm niềm vui của Xuân mới càng rộn ràng ý nghĩa./.