Cho dù Bộ GD-ĐT đưa ra một số quy định ngưỡng để bảo đảm chất lượng đầu vào với các ngành đào tạo sư phạm, nhưng một số trường lại có dấu hiệu phớt lờ chỉ đạo của Bộ.
Bộ quy định, trường phớt lờ
Để ngăn chặn tình trạng một số trường sư phạm cố “vét” thí sinh bằng cách lấy điểm đầu vào quá thấp, năm nay, Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn tối thiểu nhận hồ sơ) với các ngành đào tạo giáo viên ở trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp (ĐH, CĐ và TC).
Ở phương thức xét tuyển học bạ, quy chế ràng buộc riêng về học lực bậc phổ thông cho từng trình độ đào tạo. Cụ thể, các ngành ĐH yêu cầu thí sinh có học lực giỏi lớp 12 (riêng các ngành sư phạm âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất từ khá trở lên). Trình độ CĐ và TC, người tham gia xét tuyển cần có học lực lớp 12 từ khá trở lên (riêng các ngành sư phạm về âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất bậc CĐ và sư phạm về giáo dục thể chất bậc TC học lực lớp 12 trung bình trở lên)...
Năm 2018, ngành sư phạm giảm 38% chỉ tiêu để siết chặt chất lượng |
Thế nhưng mới đây, một số trường CĐ, TC tuyển sinh ngành sư phạm mầm non cũng không đưa ra điều kiện điểm lớp 12 trong học bạ phải xếp loại khá trở lên như quy định. Đăng tải ngay trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, Trường CĐ Việt - Anh (Nghệ An) thông báo tuyển 30 chỉ tiêu ngành sư phạm mầm non theo phương thức xét điểm học bạ 2 môn Văn, Toán (điểm lớp 12) và môn năng khiếu. Trường này công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đầu vào (tính cả điểm ưu tiên) từ 21,5 điểm trở lên.
Tuy nhiên, trường chỉ yêu cầu học sinh đã hoàn thành chương trình THPT mà không hề đưa ra ràng buộc học lực lớp 12 như quy định. Hay như trường TC Công nghiệp Bình Dương tuyển 120 chỉ tiêu sư phạm mầm non. Trong đề án công bố, trường này xét tuyển dựa vào kết quả năm học lớp 9 (bậc THCS) hoặc kết quả năm lớp 12 (bậc THPT) của tổ hợp môn: Văn, Toán, Sử. Còn ngành sư phạm mầm non của Trường TC Tài chính kế toán Bình Dương cũng xét điểm tổ hợp Toán, Văn, Sử năm lớp 9 hoặc lớp 12 đạt từ 10,5 điểm trở lên...
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết: “Bộ đã rà soát và làm việc với một số trường đưa ra tiêu chí không đúng như quy chế quy định và yêu cầu trường phải điều chỉnh. Không thể vì vét thí sinh mà hạ thấp yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào”.
Theo thống kê, năm 2018, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH là 455.174 chỉ tiêu, tăng 1,2% so với năm trước. Tuy nhiên, riêng với ngành sư phạm tổng chỉ tiêu giảm rất mạnh, tới 38%. Bà Phụng lý giải, số lượng đào tạo năm nay sẽ sát với quy mô sử dụng giáo viên, có khả năng thu hút các sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, dẫn đến giảm thiểu tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm. Đáng mừng là chỉ tiêu dù giảm tới 38% nhưng tổng số nguyện vọng vào sư phạm chỉ giảm 29%. Theo Bộ đánh giá, tỷ lệ dôi dư của ngành sư phạm vẫn cao, vẫn bảo đảm nguồn tuyển chất lượng cho ngành sư phạm.
Đào tạo sát nhu cầu, tránh thừa - thiếu giáo viên
Lãnh đạo Vụ giáo dục Đại học cho biết, trước khi xác định tổng chỉ tiêu của ngành sư phạm, từ cuối năm 2017 Bộ đã có khảo sát về nhu cầu sử dụng giáo viên trong 5 năm tới ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Căn cứ vào nhu cầu đợt khảo sát này, Bộ xác định, năm nay cần tuyển để đáp ứng nhu cầu cho 63 tỉnh, thành khoảng 59.000 giáo viên đủ vừa tuyển mới, vừa thay thế người về hưu. Bên cạnh khảo sát chính thức của Bộ, số liệu này còn dựa trên một số đề tài nghiên cứu các trường sư phạm kết hợp với các cơ sở thực hiện, các nghiên cứu khảo sát về số sinh viên chưa có việc làm trong 2 năm qua và dự kiến năm tới như thế nào.
Cụ thể, số chưa có việc làm và dự kiến sinh viên ra trường năm 2018 và năm 2019 chưa có việc làm ngay là hơn 40.000, trong đó 50% vẫn chờ cơ hội để vào ngành hoặc quay lại đúng nghề nếu có cơ hội. Vì vậy, Bộ xác định năm tới chỉ giao chỉ tiêu 35 - 36.000, phù hợp với nhu cầu sử dụng của các tỉnh, thành và hút số sinh viên ra trường sẵn sàng quay lại ngành sư phạm.
Trong số khoảng 59.000 chỉ tiêu toàn quốc có tới gần 40.000 tiểu học, mầm non. Có ý kiến cho rằng, chỉ tiêu TC 5.000 là khá lớn, bà Phụng lý giải: Nếu so chỉ tiêu với nhu cầu địa phương thì hợp lý, bởi khi khảo sát chúng tôi thấy ở hầu hết tỉnh, thành phố lớn giáo viên mầm non thiếu rất nhiều. Vì thế, họ cần đào tạo giáo viên trong thời gian ngắn (bậc TC đào tạo trong 2 năm) để có thể sử dụng ngay. Cụ thể, địa phương nào thiếu bao nhiêu giáo viên thì đào tạo ngay tại địa phương đó hoặc tỉnh lân cận để đáp ứng ngay nhu cầu địa phương, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên./.
Giảm mạnh chỉ tiêu, liệu có thu hút học sinh giỏi vào trường Sư phạm?