Sau khi VOV Online đăng bài “EVN tiếp tục kiến nghị tăng giá điện cho xi măng và thép”, bạn Minh Trí bày tỏ ý kiến của mình như sau:
Liên tục qua các năm sản xuất kinh doanh, EVN đều kêu lỗ và đề nghị nhà nước tăng giá điện để bù lỗ. Nhưng riêng đối với ngành điện, việc tăng giá phải hết sức thận trọng, vì nó chi phối tòan bộ họat động sản xuất trong nền kinh tế quốc dân của nước ta. Giá điện tăng, giá thành sản xuất các mặt hàng khác đều tăng, dẫn đến giá cả hàng hóa tăng.
Thống nhất theo chủ trương của chính phủ từng bước xóa dần bao cấp về giá điện, các mặt hàng sản xuất theo cơ chế thị trường phải được hạch toán đầy đủ. Trong những năm qua, ngành điện phải bao cấp giá điện cho các mặt hàng xi măng, sắt thép, than đá… Ngoài ra, phải bao cấp giá điện cho các đối tượng chính sách… làm cho ngành điện phải thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng, con số này quá lớn. Nếu có xử lý lỗ cuối cùng người tiêu dùng cũng phải gánh chịu.
Để từng bước xác định phương án làm thế nào EVN giảm dần lỗ tiến đến có lãi, đây là một bài toán các bộ, ngành, trung ương xem xét. Hiện nay qua báo cáo kiểm tra của tổ liên ngành hai bộ tài chính –công thương, cho biết giá thành 1kwh điện sản xuất là 1.180 đồng/kwh của năm 2010, mức giá bán lẻ trung bình hiện tại là 1250 đồng/kwh. Như vậy, thực tế giá bán điện cao hơn giá thành sản xuất về lý thuyết là có lãi. Tuy nhiên, do nhà nước hiện nay còn bao cấp cho các ngành sản xuất khác như phân tích phần trên, nên ngành điện sản xuất kinh doanh bị lỗ.
Để khắc phục lỗ của ngành điện đề nghị: Trước tiên nhà nước không nên bao cấp với giá điện sản xuất như hiện nay đối với các nhà máy xi măng, sắt thép… Vì thực tế, các đơn vị của nhà nước đến người dân mua các mặt hàng này để đầu tư xây dựng đều phải theo giá thị trường từ lâu rồi. Nhà nước quy định giá bán điện đối các đơn vị này giá bán điện như các doanh nghiệp khác bình đẳng, cao hơn giá thành sản xuất của ngành điện, để ngành điện không bị lỗ nữa.
Trường hợp các đơn vị này bị lỗ do tăng giá điện, nếu xét thấy cần thiết để nhà nước bù lỗ, thì các bộ, ngành có thẩm quyền xem xét kiểm tra cụ thể để nhà nước bù chênh lệch. Như vậy sẽ rõ ràng, minh bạch hơn nếu phải bù lỗ cho ngành điện. như hiện nay các doanh nghiệp này sản xuất kinh doanh có lãi thì được chia nhau, trong khi đó phần lỗ nhà nước phải gánh chịu, bất hợp lý.
Thứ hai, đối với các đối tượng chính sách, hộ nghèo thì vẫn áp dụng giá điện sinh họat bình thường, phần bù chênh lệch 50kwh cho các đối tượng trên, trung ương nên cân đối ngân sách hàng năm giao cho ngành lao động thương binh địa phương hỗ trợ như các chính sách khác, tách khỏi ngành điện hiện nay đang thực hiện việc cấp hỗ trợ cho các đối tượng này.
Thứ ba, giá bán điện cho sinh họat hiện nay nên thống nhất một giá bán bình quân hợp lý, quan trọng là phải cao hơn giá thành sản xuất để ngành điện không bị lỗ, người tiêu dùng cũng dễ chấp nhận. Không nên áp dụng theo giá bán điện lũy tiến hiện nay, nên quy định một giá duy nhất. Nếu thực hiện được việc này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà quản lý dễ kiểm tra kiểm soát chuyện lãi - lỗ của ngành điện./.