Trước tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ, đầu năm học này tỉnh Trà Vinh quyết định cho toàn bộ học sinh từ cấp Tiểu học đến THPT chuyển sang học trực tuyến.

Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, thầy cô giáo nói riêng và người dân trên địa bàn nói chung, năm học mới này, hơn 177.000 học sinh trên toàn tỉnh Trà Vinh từ Tiểu học đến THPT đều chuyển sang học trực tuyến. Trong đó học sinh Tiểu học học qua chương trình truyền hình, THCS và THPT học trực tuyến qua thiết bị máy tính hoặc điện thoại thông minh. Tuy nhiên hình thức học này phụ thuộc nhiều vào công nghệ, đường truyền Internet, sóng 3G.

Để không tạo áp lực cho những trường tại địa phương có nhiều học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến, sóng 3G yếu… Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các trường trên địa bàn phải linh hoạt, chậm và chắc, bám sát thực tiễn của từng địa phương; thường xuyên giám sát kiểm tra, điều chỉnh kế hoạch, tiến độ một cách phù hợp.

Hiện trong số hơn 4.200 học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến ở Trà Vinh, ngành giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, phân loại và có những phương án vận động, hỗ trợ cho đúng đối tượng.

“Rà soát lại cụ thể bằng địa chỉ chính xác rồi chúng tôi sẽ phân ra. Nếu trường hợp có thiết bị mà chưa sẵn sàng, chúng tôi tiếp tục vận động trách nhiệm của phụ huynh, cũng như nhiệm vụ của học sinh, để tham gia học trực tuyến trong giai đoạn còn dịch. Riêng trường hợp chưa có thiết bị hoàn toàn, do phụ huynh chưa có khả năng mua sắm, trước mắt chúng tôi giao nhiệm vụ, giao bài cụ thể, định kỳ xuống nắm lại mức độ hoàn thành của các em, rồi có phản hồi 2 chiều. Những đối tượng này các em tự học ở nhà nhưng có hướng dẫn đặc biệt của giáo viên”, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh cho biết.

Theo hình thức học mới này, tỉnh Trà Vinh có tới 24% học sinh không đủ điều kiện tham gia vì thiếu thiết bị học trực tuyến. Do vậy tỉnh cần hỗ trợ ít nhất 4.000 thiết bị mới đảm bảo việc học cho tất cả học sinh trên địa bàn.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, trước mắt tỉnh chỉ còn có thể chỉ đạo vận động xã hội hóa, vì các doanh nghiệp của Trà Vinh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hầu hết đang gặp khó khăn vì tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian dài. Còn các doanh nghiệp ngoài tỉnh đóng trên địa bàn đã tham gia nhiều vào Quỹ An sinh xã hội và Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh. Tuy nhiên nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp, học sinh vẫn còn thiếu thiết bị học trực tuyến, tỉnh sẽ tính đến phương án khác.

“Những học sinh chưa có máy tính, điện thoại để học trực tuyến thì tỉnh cũng tính đến phương án vận động tương thân, tương ái, như những máy tính mà một số người không còn sử dụng có thể tặng những em có hoàn cảnh khó khăn để học trực tuyến. Thứ hai vừa qua Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình “Sóng và Máy tính cho em”, tôi mong rằng Trung ương sẽ phân bổ cho Trà Vinh một số”, ông Hẳn cho hay.

Để vừa chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đảm bảo chương trình học cho học sinh trên địa bàn, bên cạnh sự chủ động đưa ra nhiều phương án của ngành giáo dục và chính quyền, mong rằng các đơn vị, các nhân có điều kiện cùng chung tay, hỗ trợ Trà Vinh tháo gỡ khó khăn này.

Tỉnh Trà Vinh hiện cũng đang triển khai thực hiện chương trình “Sóng và Máy tính cho em”, theo đó Sở GD-ĐT Trà Vinh kêu gọi toàn bộ cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành ủng hộ kinh phí tối thiểu 01 ngày lương; vận động các nhà hảo tâm và doanh nghiệp đóng góp giúp các em học tập. Tuy nhiên vào thời điểm khó khăn như hiện nay, ở Trà Vinh rất ít doanh nghiệp tham gia đóng góp cho chương trình này./.