Theo đánh giá của ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên: Các vụ bạo lực học đường diễn ra ngày càng thường xuyên, tội phạm ngày càng trẻ hóa, các vấn đề liên quan tới tâm lý giới trẻ đang đặt ra cho xã hội nhiều điều lo ngại.
Nhiều học sinh gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý như căng thẳng trong học tập, các xung đột trong quan hệ với thầy cô, bạn bè, gia đình, lúng túng trong định hướng nghề nghiệp, các tác động từ mạng xã hội... mà không được giải tỏa. Do đó, hậu quả là chán học, bỏ học; thậm chí nặng hơn là trầm cảm, bạo lực học đường, tự tử…
Nhiều học sinh gặp áp lực tâm lý, nếu không được tư vấn, giải tỏa sẽ dẫn đến hành vi bạo lực, vô cảm, thậm chí tự tử (Ảnh minh họa) |
Ngoài ra, trong nhà trường hiện nay, tình trạng học sinh nói tục, chửi thề, thiếu tôn trọng thầy cô, người lớn tuổi không còn là hiện tượng cá biệt; tình trạng quan hệ tình dục sớm cũng đáng báo động. Hiện tượng kết bạn trên mạng rồi hình thành các băng nhóm ở tuổi vị thành niên và có những hành vi lệch chuẩn như bỏ nhà đi bụi, trộm cắp, uống rượu bia say xỉn, đua xe, vi phạm giao thông… là những biểu hiện đáng lo ngại trong một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Theo các chuyên gia, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh vô cùng quan trọng. Trong đó, hầu hết nhấn mạnh tới yếu tố gia đình. PGS.TS. Nguyễn Dục Quang, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam khẳng định, trong các yếu tố liên quan đến việc giáo dục học sinh, thì yếu tố gia đình là quan trọng nhất vì phần lớn thời gian của các em gắn với gia đình. Ở gia đình, các em có những người thân yêu, gần gũi nhất, có sự bao bọc, chở che, trách phạt nhiều nhất…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Dục Quang cũng thừa nhận nhiều gia đình không ý thức được hết tầm quan trọng này hoặc có cách giáo dục con cái sai lệch, đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách, đạo đức của các em. Nhiều gia đình do bố mẹ quá mải mê trong công việc nên không có thời gian trò chuyện với con; hoặc quá nuông chiều, thỏa mãn mọi nhu cầu của con và cho rằng thế là đã quan tâm, chăm sóc chúng một cách đầy đủ.
Nhiều cha mẹ lại quá kỳ vọng để buộc con phải đạt được những mục tiêu vượt xa khả năng của chúng, đặc biệt trong học tập. Trong việc dạy dỗ con thì trông chờ vào nhà trường, với lời gửi gắm “trăm sự nhờ thầy cô”…
Bên cạnh những em bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cách giáo dục sai lệch của gia đình, còn có rất nhiều trẻ “cá biệt” do hoàn ảnh gia đình không tốt như bố mẹ ly hôn, ly thân; bố mẹ sa vào tệ nạn xã hội, nếp sống gia đình không lành mạnh.
“Những cách giáo dục như vậy vô tình đã đẩy các em vào hoàn cảnh rất đáng thương, thiếu thốn tình cảm, khao khát được vui chơi, được quan tâm chia sẻ. Một số gia đình bắt con học quá nhiều cũng dẫn đến tình trạng đứa trẻ mụ mẫm và vô cảm với mọi người xung quanh” - PGS.TS. Nguyễn Dục Quang nói.
Cô giáo Hồ Ngọc Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP HCM phân tích: Ở lứa tuổi học sinh, tâm sinh lý, thể chất và nhân cách đang hình thành và phát triển, do đó trong hành vi, cách ứng xử của các em còn có những biểu hiện hạn chế, chủ quan, đôi khi bốc đồng hoặc thích “nổi loạn”, thích bắt chước “thần tượng”, có nhiều cá tính. Các em cần được giáo dục bởi sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Trong gia đình, cha mẹ có vị trí trụ cột, là người chủ của gia đình, có vai trò quyết định đến việc giáo dục con cái. Cha mẹ phải luôn gương mẫu và làm tốt trách nhiệm của một công dân với đất nước; có trách nhiệm với cuộc sống của gia đình, cuộc đời của con cái.
Cô Hồ Ngọc Hương chia sẻ: “Có cha mẹ lo cho con đầy đủ về vật chất, mang cơm đến trường xúc cho con ăn, mua cho con nhiều đồ dùng đắt tiền khiến các em sống ỉ lại, thích hưởng thụ. Nhiều gia đình phó mặc cho nhà trường. Không ít em ở lứa tuổi thiếu niên bỏ nhà sống lang thang, trộm cắp hoặc bị tự kỷ. Điều này đòi hỏi gia đình cần quan tâm hơn đến việc giáo dục các em”.
PGS.TS. Nguyễn Dục Quang cho rằng, giải pháp phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh là rất cần thiết. Song mấu chốt vẫn phải bắt nguồn từ gia đình.
“Hiệu quả giáo dục phụ thuộc nhiều vào chất lượng gia đình. Nếu cha mẹ bất hòa, gia đình lục đục sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ, khiến các em mất phương hướng, không biết vâng lời ai. Từ đó sinh ra buồn chán, đau khổ, không an tâm học tập, tình cảm lệch lạc, bè phái… Do đó có thể nảy sinh ở các em một số thói hư tật xấu như vô lễ, nói dối, tính tình cáu bẳn… Nếu cha mẹ là những đối tượng rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, trộm cắp… thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức, lối sống của con cái” – ông Nguyễn Dục Quang phân tích.
Theo chuyên gia, cha mẹ và các thành viên trong gia đình cũng cần được bồi dưỡng kiến thức về khoa học giáo dục, kỹ năng giáo dục con cái. Giáo dục gia đình tốt có thể đem lại hiệu quả tích cực về giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, phát triển đời sống tâm lý – tinh thần, tình cảm, rèn luyện hành vi ứng xử, quan hệ giao tiếp cho học sinh.
Ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH-TT-DL dẫn chứng: Nhiều người biết đến em Đỗ Nhật Nam với những thành tích trong học tập cũng như hoạt động xã hội. Bên cạnh yếu tố năng lực vượt trội, sự ham học, thông minh, chịu khó trong tính cách của em, còn phải kể đến môi trường giáo dục quan trọng đã bồi đắp, nuôi dưỡng những ước mơ, tiềm năng của em – đó chính là gia đình của Đỗ Nhật Nam.
Ngay từ khi còn rất nhỏ, cha mẹ em đã dành thời gian nghiên cứu các phương pháp dạy học dành cho trẻ em thông qua các trò chơi, các hoạt động trong gia đình để em có thể tiếp thu tự nhiên những kiến thức, kỹ năng, đồng thời phát hiện những năng khiếu của con để có hướng phát triển phù hợp.
“Gia đình chính là tổ ấm, nơi chắp cánh ước mơ, tạo dựng các thành công cho trẻ em để các em trưởng thành, góp sức xây dựng cộng đồng, đất nước” – ông Hoa Hữu Vân kết luận./.