Hà Nội là một trong hai thành phố có nhiều cụm thi THPT quốc gia và có số lượng thí sinh đến dự thi đông nhất của cả nước. Theo thống kê sơ bộ, tại Hà Nội sẽ có trên 120.000 thí sinh sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, trong đó Hà Nội khoảng 80.000 thí sinh, Nam Định 15.400 học sinh, Bắc Ninh 8.500, Hà Nam 6.000 và Vĩnh Phúc là 6.000.

Để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, Sở GD-ĐT Hà Nội đã lên kế hoạch và yêu cầu các trường được chọn làm điểm thi chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo viên sẵn sàng tham gia coi thi và chấm thi khi có yêu cầu. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng lên kế hoạch phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, phân công rõ trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi.

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Sở đã yêu cầu tất cả các trường cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2015 không tổ chức cho giáo viên đi tham quan hay nghỉ hè sẵn sàng làm nhiệm vụ coi thi khi được điều động. Các nhà trường cũng đề xuất danh sách cán bộ giáo viên có trình độ chuyên môn tốt có trách nhiệm để tham gia việc coi thi và chấm thi.

Về cơ sở vật chất, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các trường THPT cũng như lãnh đạo các quận, huyện thị xã phải phối hợp có trách nhiệm khi được trưng dụng để tổ chức các điểm thi và xác định đây là nhiệm vụ của ngành không phải là làm nhiệm vụ cho các trường đại học.

**Cụm thi Đại học Tây Nguyên tích cực chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia

Là một trong 38 trường đại học được Bộ GD-ĐT giao chủ trì cụm cụm thi quốc gia năm 2015, thuộc địa bàn 2 tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông, trường Đại học Tây Nguyên đã và đang có nhiều công tác tích cực chuẩn bị cho kỳ thi này.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên cho biết, những kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng trước, bình quân mỗi năm có khoảng 23.000 -24.000 thí sinh dự thi.

Năm nay chỉ có một đợt thi, nhưng số lượng thí sinh tăng gần gấp đôi với khoảng 35.000 thí sinh, do vậy áp lực đối với đơn vị chủ trì là không hề nhỏ. Đặc biệt hơn, năm nay chỉ với 1 đợt thi nhưng tối đa có tới 8 môn thi cho nên khâu làm đề, coi thi cũng rất khó khăn. Xuất phát từ đó, trường Đại học Tây Nguyên đã chủ động phối hợp với Sở GD-ĐT 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông  chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ cho kỳ thi.

Các trang thiết bị phục vụ khâu in ấn đề thi, liên hệ để chuẩn bị nơi thi, lên kế hoạch cho việc phối hợp các đơn vị nghiên cứu các quy định, quy chế của Bộ GD-ĐT đã được nhà trường phổ biến cho cán bộ, viên chức nắm vững, thực thi cho đúng quy chế tuyển sinh mới.

Hiện tại, Đại học Tây Nguyên đang tập trung chỉ đạo thực hiện những vấn đề đó. Đặc biệt là phải phối hợp các Sở GD-ĐT, phối hợp với các trường phổ thông  của 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông để cùng chuẩn bị đội ngũ coi thi, cơ sở các điểm thi./.