Những năm học trước, vào đầu tháng 8, chị Nguyễn Thu Loan, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã cùng con bọc sách, vở, ghi nhãn để chuẩn bị cho năm học mới. Thế nhưng năm nay, sát ngày tựu trường mà chị vẫn chưa nhận được sách giáo khoa của con, mặc dù đã đăng ký mua sách tại trường: "Đợt tháng 6, tháng 7 cô giáo có phổ biến hiện tại cũng có sách rồi, nhưng do giãn cách phụ huynh chưa qua trường lấy sách được. Hiện tại sắp sang năm học mới cô giáo cũng chủ nhiệm cũng có đưa đường link sách giáo khoa online cho các con có thể tham khảo trước ở nhà. Mỗi lớp có một đường file và link riêng, các con lớp 1, lớp 2 thì phải có phụ huynh kèm thì mới có thể mở link sách để học".
Sách đã được vận chuyển đến trường học, nhưng do giãn cách xã hội nên chưa thể chuyển phát tới học sinh - đó là tình cảnh chung của nhiều học sinh ở Hà Nội hiện nay. Các nhà sách trên địa bàn thành phố vẫn đóng cửa, không thể mua được sách, vì thế, học theo sách điện tử trên mạng internet là giải pháp tình thế được nhiều nhà trường và học sinh buộc phải lựa chọn trong thời điểm này. Học sinh không được học trên sách in quen thuộc, đồng thời lại phải học trực tuyến qua mạng internet đã khiến việc dạy và học của cả giáo viên, học sinh đều bị ảnh hưởng.
Sách điện tử chữ quá nhỏ, nhiều hình vẽ bị mờ,… nên nhiều phụ huynh chật vật tìm kiếm sách giấy cho con qua nhiều kênh khác nhau, như: in sách trên giấy A4 từ bản sách điện tử trên mạng; xin, mượn sách cũ của bạn bè, người quen.
Trước lo ngại của học sinh, phụ huynh về việc không kịp có sách giấy cho con khi năm học mới đã kề cận, nhiều trường phổ thông ở Hà Nội đã dự kiến các giải pháp để chuyển sách tới học sinh.
Bà Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn cho biết: "Chúng tôi sẽ thông báo tới phụ huynh, những phụ huynh nào có thể qua trường lấy được sách thì chúng tôi sẽ tổ chức giãn cách để đảm bảo phòng chống dịch. Vì có những bố mẹ trên đường đi làm thì có thể rẽ qua trường để nhận. Nếu như trong trường hợp khó khăn nữa thì chúng tôi cũng đang dự tính tìm kiếm kênh phát- trả từ bưu điện Hà Nội".
Để kịp thời vận chuyển sách giấy, Cục Xuất bản in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị sách giáo khoa thuộc nhóm hàng thiết yếu. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các địa phương tạo điều kiện để các đơn vị vận chuyển sách đến nhà trường và học sinh trước năm học mới.
Dù không phải là tài liệu duy nhất, nhưng sách giáo khoa giống như “kim chỉ nam” cho cả thầy và trò trong giảng dạy, học tập. Vì thế, dù phòng chống dịch Covid-19 là cấp bách, quan trọng trong thời điểm hiện nay, nhưng các địa phương, cơ quan quản lý cũng nên tính đến giải pháp để đảm bảo vận chuyển, cung ứng đủ sách giáo khoa cho học sinh trước năm học mới, tránh tình trạng sách cất trong kho, còn học sinh, phụ huynh thì chật vật tìm sách cho con khi năm học mới đã cận kề như hiện nay./.