Bộ GD-ĐT sẽ xem xét đưa nội dung về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam và chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa... vào sách giáo khoa (SGK) mới với dung lượng phù hợp.
Tuy nhiên, nếu chờ đợi có SGK mới thì nội dung về các cuộc chiến tranh biên giới và hải đảo chưa được truyền tải cập nhật đầy đủ cho học sinh. Vậy làm thế nào để học sinh có thể hiểu hiểu rõ hơn về những nội dung trên mà không cần phải đợi có SGK mới? Về vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân (GS.TS.NGND) Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc |
PV:Thưa Giáo sư, ông nhận thấy nội dung về các cuộc chiến tranh biên giới và hải đảo được đưa vào chương trình SGK hiện nay như thế nào?
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc: Từ nhiều năm nay, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã đề xuất đưa vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới vào trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông. Những nội dung phần nào cũng đã được đưa vào trong sách giáo khoa hiện hành nhưng hết sức sơ lược.
Trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 có một mục nói về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ năm 1975-1979, bao gồm cả cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đến chiến tranh biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, riêng chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 chỉ có 11 dòng, nên dù có đưa vào sách giáo khoa thì cũng không giúp cho học sinh hiểu được sự kiện có tầm vóc quan trọng này.
PV:Ông nhìn nhận việc đưa cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 có ý nghĩa như thế nào đối với lịch sử dân tộc?
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc: Có ý kiến cho rằng, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 diễn ra trong thời gian ngắn (khoảng 30 ngày), không có mấy tư liệu để trình bày. Nói như vậy là không hiểu gì về những sự kiện trọng đại của lịch sử đất nước. Thử hỏi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán của Ngô Quyền chỉ diễn ra và kết thúc trong vòng một ngày cuối năm 938 ở địa đầu sông nước của Tổ quốc, sao lại là bước ngoặt vĩ đại của lịch sử Việt Nam và được trình bày đầy đủ và cặn kẽ trong các bộ sách giáo khoa.
Theo quan điểm của tôi, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 là một cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Chỉ trong vòng 1 tháng, quân và dân ta đã chặn đứng, đánh bại một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô rất lớn ở trên toàn tuyến biên giới. Đảng và Nhà nước ta trong thời gian ngắn đã huy động cao độ sức mạnh của cả nước để chiến đấu và chiến thắng rất oanh liệt.
Với tầm vóc, vị trị và ý nghĩa quan trọng như vậy nên trong sách giáo khoa cần phải trình bày một cách đầy đủ, bài bản thì học sinh mới có thể hiểu đúng và đánh giá khách quan, chính xác bản chất của toàn bộ cuộc chiến.
Xem xét đưa cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào sách giáo khoa
Phải vạch trần sự xuyên tạc trắng trợn của Trung Quốc
PV: Nếu đưa cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 vào trong sách giáo khoa thì nội dung trọng tâm nhất cần phải nhắc tới là gì, thưa Giáo sư?
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc: Nếu đề cập đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 vào trong sách giáo khoa mới, theo tôi trước tiên cần phải nói rõ bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế, giải thích một cách tường minh nguyên nhân, lý do xảy ra cuộc chiến tranh này.
Chúng ta cần phải vạch rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược do Trung Quốc phát động và tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Không thể không nói đến diễn biến chính của cuộc chiến và tinh thần chiến đấu hy sinh vô bờ bến của quân dân ta. Cần phải đưa ra những chứng cứ đầy đủ và xác thực để phân tích đánh giá tầm vóc, ý nghĩa của cuộc chiến, cũng như vạch trần những xuyên tạc hết sức trắng trợn và hiểm độc của Trung Quốc đối với cuộc chiến tranh này.
Có thể nói, lịch sử khai phá, xác lập, thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một trong những trang sử bi hùng bậc nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng rõ ràng và đích thực rằng, từ đầu thế kỷ thứ XVII cho đến đầu thế kỷ XX, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đẩy đủ và trọn vẹn đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong điều kiện hòa bình, không có tranh chấp, tranh biện.
Cho đến đầu thế kỷ XX, Trung Quốc tuyên bố phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa (vốn đã là của Việt Nam) và tùy tiện đặt tên là quần đảo Tây Sa. Năm 1956, họ mới lần đầu tiên chiếm cụm đảo phía Đông và đến năm 1974, họ chiếm nốt cụm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, họ mới bắt đầu tấn công xuống quần đảo Trường Sa và đến nay, họ cải tạo thành những căn cứ quân sự rất hiện đại để thực hiện mưu đồ độc chiếm toàn bộ Biển Đông. Đây là những hành động leo thang cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc, mà Việt Nam và cộng đồng quốc tế đang hết sức lên án và tìm cách ngăn chặn.
Vùng lãnh thổ, biển đảo, hải đảo do ông cha ta đã đổ bao mồ hôi, xương máu khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền từ nhiều đời, nhưng đang bị Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm thì cần phải được đề cập rõ ràng, chi tiết trong sách giáo khoa. Điều này sẽ giúp cho không chỉ học sinh, mà tất cả mọi người dân, không chỉ Việt Nam, mà Trung Quốc và cả cộng đồng quốc tế biết rõ và có cách xử lý đúng theo nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế. Tôi hằng tin sức mạnh và thành công của cuộc đấu tranh này nằm ở chính nghĩa và cội nguồn lịch sử.
Song song với việc đưa nội dung về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa... vào SGK mới, chúng ta cần phải triển khai giáo dục một cách mạnh mẽ cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, ý thức bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia lãnh thổ.
Độc lập dân tộc của Việt Nam trước các nước lớn
PV:Bộ GD-ĐT sẽ xem xét đưa các cuộc chiến tranh biên giới và hải đảo vào chương trình SGK mới. Tuy nhiên, nếu đợi chờ có SGK mới thì nội dung về các cuộc chiến tranh biên giới và hải đảo chưa được truyền tải cập nhật đầy đủ cho học sinh. Giáo sư có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc: Nội dung các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và hải đảo không nhất thiết cứ phải có SGK mới thì mới đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông.
Nếu Bộ GD-ĐT đã có chủ trương thì sao lại không đưa ngay vào giảng dạy từ năm học này. Chỉ cần Bộ chỉ đạo Ban Sử của chương trình giáo dục phổ thông tổ chức biên soạn, bổ sung một số bài về các nội dung này, sau đó yêu cầu các địa phương tổ chức giảng dạy...
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!./.