Làm sao để việc thi cử không còn nặng nề, gây áp lực cho toàn xã hội như hiện nay, đồng thời tác động tích cực trở lại quá trình giáo dục thực sự đang là mong muốn của mọi người. Chính vị vậy, Dự thảo điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa đưa ra đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

mai-van-trinh.jpg
PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định giáo dục, Bộ Giáo dục-Đào tạo (Ảnh: Tuổi trẻ)

Phóng viên VOV trao đổi với ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định giáo dục (Bộ Giáo dục-Đào tạo) về vấn đề này.

PV:  Đa số ý kiến học sinh và phụ huynh học sinh đồng tình với đề xuất của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Tuy nhiên vẫn còn băn khoăn lo lắng cho rằng thời điểm này là quá muộn để thực hiện việc điều chỉnh phương án thi, xét tốt nghiệp, gây tâm lý bất an cho học sinh. Ông cho biết, vì sao Bộ Giáo dục- Đào tạo lại chọn thời điểm này để đưa ra phương án điều chỉnh?

Ông Mai Văn Trinh: Thực tế cho thấy, kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua đã tạo áp lực cho học sinh và tốn kém cho xã hội. Do vậy, việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT là đòi hỏi tất yếu xét trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, đó là việc chúng ta từng bước đưa Nghị quyết của BCH TW Đảng vào thực tiễn giáo dục, từng bước đáp ứng được nguyện vọng của học sinh, phụ huynh học sinh và toàn xã hội. Điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT để từng bước triển khai những bước đi vững chắc nhưng tiết kiệm với định hướng đổi mới chương trình sách giáo khoa.

Các học sinh lớp 12 cũng cần lưu ý rằng những điều chỉnh lần này là nhằm tạo thuận lợi cho học sinh chứ không gây thêm khó khăn cho các bạn. Các học sinh không phải thay đổi nhiều trong cách học của mình.

PV:Như ông vừa nói, việc điều chỉnh sẽ tạo thuận lợi cho học sinh, hoàn toàn không gây khó khăn. Ông có thể nói cụ thể hơn?

Ông Mai Văn Trinh: Cụ thể ở đây việc xét miễn thi tốt nghiệp đối với những học sinh học tập tốt ở tốp đầu, sẽ tạo động lực để các em đã học tốt, thì không phải dự kỳ thi này, như vậy sẽ giảm khá nhiều tốn kém cho xã hội. Về số môn thi, chúng ta thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Xin lưu ý, 2 môn tự chọn này là các em được tự chọn theo sở trường và năng lực của mình. Điều chỉnh này rất thuận lợi cho các em và là định hướng khuyến khích năng lực của các em.

Thêm nữa, chúng ta phối hợp đánh giá kết quả học tập của các em, cụ thể phối hợp kết quả học tập của các em ở lớp 12 với kết quả thi để xét và công nhận tốt nghiệp. Việc kết hợp này sẽ giúp các em không phải chịu rủi ro khi kết quả học tập của mình chỉ phụ thuộc vào một kỳ thi như trước đây. Như vậy, những điều chỉnh này là hoàn toàn hướng đến việc tạo thuận lợi cho học sinh nhưng vẫn đánh giá được năng lực của các em.

PV:PHHS băn khoăn liệu Dự thảo này có được áp dụng trong năm nay hay không và phương án thi tốt nghiệp THPT được lựa chọn có được áp dụng lâu dài hay không?

Ông Mai Văn Trinh: Từ những căn cứ khoa học cả về lý luận và thực tiễn, đặc biệt qua tổng hợp ý kiến của các nhà giáo lão thành, các nhà quản lý giáo dục, nhà giáo, phụ huynh học sinh từ thời điểm Dự thảo phương án được đưa ra, cho thấy phần lớn ủng hộ phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thi gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn học sinh tự chọn đồng thời phối hợp sử dụng kết quả lớp 12 và điểm thi để xét công nhận tốt nghiệp cho các em.

Phương án này giảm áp lực cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội vẫn bảo đảm khách quan, đánh giá được năng lực học sinh, đây là cơ sở vững chắc để có thể áp dụng phương án này ngay từ năm 2014.

Tuy nhiên, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 được tốt nhất. Phương án này sẽ được duy trì ổn định cho đến khi chúng ta bắt đầu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên theo chương trình sách giáo khoa mới.

PV: Theo lộ trình sau 2015 chúng ta sẽ có chương trình sách giáo khoa mới, dư luận đặt câu hỏi tại sao chúng ta phải vội vàng điều chỉnh và dự kiến áp dụng phương án thi tốt nghiệp THPT ngay từ năm nay, liệu có áp lực nào hay không, thưa ông?

Ông Mai Văn Trinh: Nghị quyết Hội nghị TW 8 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI và Nghị quyết 29 là sản phẩm của trí tuệ. Những người làm giáo dục phải có trách nhiệm triển khai Nghị quyết một cách sớm nhất nhưng đảm bảo tính khả thi không gây sốc, nhanh chóng đi vào đời sống giáo dục. Thế nên tôi mới nói rằng đây là một sự đòi hỏi tất yếu, phù hợp với lộ trình và có tính khả thi cao.

PV: Xin cảm ơn ông!