Sáng 15/3, hơn 73.000 học sinh lớp 12 TP Hà Nội bước vào kỳ kiểm tra khảo sát học sinh lớp 12 THPT.

Đây được coi là kỳ thi để các thí sinh "tập dượt" trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia chính thức năm 2018 sẽ diễn ra vào tháng 6 tới.

Ở kỳ thi này, hình thức đề thi và cách tổ chức thi đều giống với kỳ thi THPT quốc gia thực sự.

de_thi_1_qdrp.jpg
Đề thi thử môn Ngữ Văn lớp 12 tại Hà Nội.
 

Kết thúc môn thi Ngữ Văn sáng nay, nhiều học sinh cho rằng, đề khá bám sát với chương trình học, song thí sinh vẫn không khỏi bối rối khi xuất hiện kiến thức lớp 11 trong phần Làm văn.

Đánh giá về đề thi thử môn Ngữ văn lần này của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, TS Văn học Phạm Hữu Cường - Giáo viên có nhiều năm giảng dạy, ôn thi môn Ngữ Văn bậc THPT cho rằng, đây là một đề thi khá hay, đặc biệt là câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Tuy nhiên, đề thi này vẫn nghiêng về tính truyền thống, hầu như không đề cập đến các vấn đề thời sự hiện nay đang diễn ra trong xã hội.

TS Phạm Hữu Cường (Ảnh: NVCC)

Đề thi bám rất sát cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT, bám sát chương trình THPT, nhất là chương trình Ngữ văn 11, 12.

Độ dài các câu tương đối hợp lý. Đề thi có mức độ kiến thức và kĩ năng khá cơ bản, phù hợp với học sinh có học lực trung bình và khá. Các câu trong đề nhìn chung được sắp xếp từ dễ đến khó, đảm bảo được việc kiểm tra kiến thức và kĩ năng ở các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Thầy Cường cho rằng, điểm mới của đề thi năm nay so với những năm trước là có thêm phần kiến thức lớp 11 (chiếm khoảng 25%) và đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc cách làm kiểu bài so sánh văn học; giống như cấu trúc đề thử nghiệm của Bộ GD-ĐT. 

Những thí sinh không nắm chắc kiến thức Ngữ văn 11 và cách làm kiểu bài so sánh văn học sẽ mất khá nhiều điểm ở câu này.

"Câu nghị luận xã hội rất có ý nghĩa đối với tuổi trẻ hiện nay khi yêu cầu trình bày suy nghĩ về cách để mỗi người có thể tận hưởng cuộc sống một cách thực sự. Đây cũng là vấn đề có khả năng khơi gợi hứng thú làm bài cho học sinh. Ở câu này, học sinh có học lực trung bình và khá có thể giải quyết được những yêu cầu cơ bản của đề bài, nên việc đạt được 2 điểm trở lên ở phần này cũng là trong tầm tay. Tôi cho rằng câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học đều là những câu hỏi mở, có tính phân loại thí sinh rõ nét", thầy Nguyễn Hữu Cường phân tích.

Nói về phần nghị luận văn học, thầy Cường cho rằng, đây là phần có thể khơi gợi được nhiều hứng thú làm bài của học sinh. Thí sinh chỉ cần bám sát văn bản, vận dụng kỹ năng phân tích và năng lực cảm thụ văn học là có thể hoàn thành được phần lớn yêu cầu của đề.

"Ở câu này, yêu cầu cảm nhận khát vọng tình yêu của tuổi trẻ ở 2 đoạn thơ trích từ "Vội vàng" của Xuân Diệu và "Sóng" của Xuân Quỳnh sẽ có nhiều học sinh làm được, nhất là khi các em nắm vững kiến thức văn học 11 và 12.

Nhưng phần so sánh để chỉ ra nét tương đồng và sự khác biệt giữa 2 đoạn thơ, của 2 tác giả trong việc thể hiện khát vọng tình yêu của tuổi trẻ chắc chắn sẽ khiến nhiều học sinh lúng túng, nên phổ điểm chủ yếu ở câu này sẽ là khoảng 3/5 điểm. Nhưng đây chính là phần có tính phân hóa trình độ thí sinh tốt nhất", thầy Cường cho hay.

Theo thầy Phạm Hữu Cường, các câu hỏi ở phần đọc hiểu khá cơ bản, không khó đối với học sinh có học lực trung bình trở lên. Học sinh chỉ cần đọc kĩ văn bản, vận dụng các kĩ năng đọc hiểu thông thường là có thể hoàn thành tốt các câu hỏi này. Vì vậy, ở phần đọc hiểu, sẽ khá nhiều thí sinh đạt được từ 2 đến 2,5 điểm, thậm chí đạt điểm tối đa.

Trên cơ sở phân tích đề thi thử, TS Phạm Hữu Cường dự đoán, mức điểm phổ biến mà các học sinh có thể đạt được từ 7-8 điểm là chủ yếu./.