Ngày 31/8, kết thúc đợt xét tuyển bổ sung lần 1, nhiều trường đại học lớn cho biết số lượng hồ sơ nhận về đã đạt hoặc nhỉnh hơn so với mức chỉ tiêu đề ra.
PGS. Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, trường đã nhận được 1525 hồ sơ. Với mức hồ sơ đó, thầy Tớp hy vọng sẽ không thiếu nhiều chỉ tiêu ở đợt tuyển này. Đặt ra giả định nếu thiếu nhiều chỉ tiêu so với mức đề ra, trường Đại học Bách Khoa cũng sẽ không tuyển bổ sung đợt 2 để tránh ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo và chất lượng đầu vào của trường.
Nhiều trường lo ngại tỷ lệ ảo lớn, tuyển bổ sung chưa đủ lấp đầy chỉ tiêu. |
Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Đại học Thương Mại, TS. Nguyễn Hóa chia sẻ, trường tuyển 1450 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung, kết thúc đợt xét tuyển bổ sung lần 1, trường nhận được khoảng 2000 hồ sơ. “Các trường không thể tính toán hay dự đoán về tỷ lệ ảo thực tế là bao nhiêu do không có một dữ liệu cụ thể nào. Không thể khẳng định được các em đăng ký bao nhiêu trường. Ở đợt 1 trường chỉ tuyển được khoảng hơn 50% số lượng thí sinh. Đợt này cũng chưa thể biết được có bao nhiêu thí sinh sẽ chọn mình”, thầy Hóa lo ngại.
PGS. Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng ái ngại về số lượng hồ sơ nộp ở lần tuyển bổ sung. Thầy Nam cho biết, trong đợt xét tuyển bổ sung, Học viện lấy 500 chỉ tiêu, lượng hồ sơ nộp vào cũng đã xấp xỉ con số đưa ra. Thầy Nam cho biết, dựa vào phổ điểm của thí sinh, Học viện dự kiến chỉ gọi được khoảng hơn 100 em trúng tuyển. Trong số đó có bao nhiêu em nhập học lại là chuyện mà trường không thể dự đoán.
Đặc biệt, trong đợt tuyển bổ sung, còn có sự mất cân đối giữa các ngành. Nhiều ngành vốn được coi là ngành “hot” của trường như Quan hệ quốc tế, Quan hệ công chúng trong đợt này mới chỉ có vài hồ sơ. Một số ngành những năm trước vẫn khó tuyển như khối ngành về lý luận năm nay lại càng bi đát hơn.
Giám đốc Học viện dự đoán, sẽ có những chuyên ngành mà chỉ có hơn chục thí sinh nhưng buộc nhà trường vẫn phải mở lớp đào tạo bình thường.
Dự kiến điểm chuẩn của một số ngành ít thí sinh sẽ phải giảm so với nguyện vọng 1. Tuy nhiên những ngành có tỷ lệ hồ sơ lớn, điểm chuẩn vẫn sẽ tăng cao. Ban giám hiệu Học viện khẳng định, nếu chưa tuyển đủ, trường cũng sẽ không hạ điểm trúng tuyển xuống quá thấp và không tuyển bổ sung lần 2 để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Xin hủy kết quả trúng tuyển đợt 1, thí sinh có còn cơ hội trúng tuyển?
Trong khi nhiều trường công lập tuyên bố dừng cuộc chạy đua tại đợt xét tuyển bổ sung lần 1, thì các trường dân lập lại có sẵn phương án tuyển bổ sung đợt 2 với hy vọng “vớt” thêm được thí sinh.
Theo phân tích của các trường đại học, ở đợt tuyển bổ sung lượng hồ sơ ảo có nguy cơ tăng. Trong khi thí sinh có thể có nhiều lựa chọn, các trường tỏ ra hoang mang, lo lắng liệu có đủ chỉ tiêu? Nhiều nhận định cho rằng, với phương thức tuyển sinh như năm nay, các trường đang phải cạnh tranh khốc liệt để thu hút thí sinh./.