Sáng 3/6, học sinh Hà Nội tiếp tục tham dự kỳ thi vào lớp 10 công lập với phần làm bài thi môn Ngoại ngữ và Lịch sử trong thời gian là 60 phút.

Thí sinh làm bài môn thi Ngoại ngữ trước, bắt đầu từ 8h đến 9h. Sau đó, từ 9h30, thí sinh thi tiếp môn Lịch sử. Như vậy, thí sinh sẽ có khoảng 30 phút để chuyển tiếp từ môn đầu tiên sang môn thứ 2.

thi_su_vov_fdeg.jpg
Thí sinh xem lại đề thi môn Lịch sử vào lớp 10 công lập

Đề thi môn Lịch sử vào lớp 10 năm nay được ra theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi phòng thi gồm 24 thí sinh sẽ làm một mã đề khác nhau.

Sau khi kết thúc môn thi Lịch sử, nhiều thí sinh cho rằng, đề thi nằm trong chương trình sách giáo khoa lớp 9, ưu điểm của đề là ra theo hình thức trắc nghiệm nên thí sinh không phải học thuộc lòng các chi tiết mà phải học một cách thực sự hiểu và nắm các mốc thời gian một cách chính xác. Trong một buổi sáng thi 2 môn Ngoại ngữ và Lịch sử thì với các câu hỏi trắc nghiệm sẽ không làm thí sinh quá căng thẳng.

Thí sinh Hoàng Thùy Linh, trường THCS Nghĩa Tân cho biết, đối với những học sinh chuyên về ban Khoa học xã hội và thi vào chuyên Sử như em thì đề thi quá dễ. Các câu hỏi đều nằm trong sách giáo khoa lớp 9 nên em chỉ làm mất 2/3 thời gian.

Làm được 80% bài làm, thí sinh Nguyễn Tuấn Thành, trường THCS Cầu Giấy cho rằng, môn Lịch sử được ra theo hình thức thi trắc nghiệm sẽ giúp học sinh làm bài tốt và không cảm thấy căng thẳng.

Tuy nhiên, từ lâu học sinh chưa quen với hình thức thi 4 môn nên có thể trong thời gian tới, Sở GD-ĐT Hà Nội nên công bố môn thi thứ 4 sớm hơn 2 tháng. Ví dụ thay vì tháng 3 mới công bố thì nên công bố vào tháng 1 hàng năm.

Đến từ trường THCS Thăng Long, thí sinh Lê Duy Mạnh nhận xét, trong đề thi vẫn có khoảng 10 câu khó, đòi hỏi thí sinh phải tư  duy và nắm chắc kiến thức một cách thực sự. Đặc biệt có câu hỏi về Cách mạng tháng 8/1945 và câu theo thỏa thuận quy định của Hội nghị I-an-ta (tháng 2/1945), Việt Nam thuộc phạm vi ảnh hưởng của nước nào mang tính phân loại trình độ của thí sinh cao.

Theo Duy Mạnh, với 10 câu hỏi này, thí sinh cần có thêm thời gian tư duy để làm bài thi tốt hơn. Ngoài ra, môn Lịch sử sẽ  là môn thi khá khó đối với những bạn học chuyên về các môn Khoa học tự nhiên nên để thí sinh làm bài hiệu quả thì rất cần ngành Giáo dục Hà Nội công bố môn thi thứ 4 từ sau khi hết học kỳ I.

Đề xuất công bố môn thứ 4 sau khi kết thúc học kỳ I

Không chỉ có học sinh đề xuất công bố môn thi thứ 4 sớm hơn so mà nhiều phụ huynh cũng cùng quan điểm này.

Tháng 3/2019, Sở GD-ĐT Hà Nội mới công bố môn thi thứ 4 là Lịch sử. Với thời gian ôn thi chỉ có hơn 2 tháng nên không đủ để cho học sinh ôn tập.

Hơn nữa, môn Lịch sử có kiến thức rộng và từ trước đến nay, nhiều học sinh không hào hứng với môn học này nên khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố thi môn Lịch sử trong kỳ thi vào lớp 10 công lập thì bản thân chị Vũ Thị Cúc, phố Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình và con cảm thấy lúng túng không biết ôn từ đâu, như thế nào sao cho hiệu quả nhất.

Phụ huynh đợi chờ con thi tại Hội đồng thi trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội

Việc ôn tập môn Lịch sử của con chị cũng chỉ ở trên lớp học cô giáo giảng dạy, vì cháu học bán trú cả ngày, tối về ôn bài tập trên lớp, không có thời gian đi học thêm.

Theo chị Vũ Thị Cúc, việc bốc thăm công bố môn thứ 4 nên được thực hiện từ cuối học kỳ I để cho giáo viên và học sinh có kế hoạch ôn luyện kỹ lưỡng hơn.

Còn với chị Nguyễn Thanh Hà, có con dự học ở trường THCS Nguyễn Bình Khiêm năm nay dự thi vào chuyên Sinh, trường THPT Chu Văn An cho rằng, với lứa tuổi 14-15 tuổi mà phải ôn luyện 4 môn thi thì khá căng thẳng, đặc biệt là với học sinh thi chuyên phải thi thêm 1 môn nữa như con chị thì rất vất vả.

“Trong một lớp học sẽ có học sinh học giỏi toàn diện và học sinh học giỏi một số môn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Vì vậy, để tránh áp lực, căng thẳng trong học tập, ôn luyện, cả phụ huynh và học sinh rất mong Sở GD-ĐT Hà Nội công bố môn thi thứ 4 sau khi kết thúc học kỳ I”, chị Hà bày tỏ./.