Sáng nay (10/11), trình bày dự thảo Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 tại Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, lĩnh vực giáo dục, đào đạo nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu.

Mới đổi mới sự vụ, chưa đi vào cốt lõi

Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, nhiềuý kiến cho rằng giáo dục, đào tạo và đào tạo nghề có những tiến bộ rõ rệt, đãtiến hành mạnh mẽ đổi mới căn bản, toàn diện trong nhiều phương diện, trong đó tập trung chủ yếu vào việc thi, kiểm tra

Tuy nhiên, mới chỉ tập trung đổi mới các vấn đề sự vụ (tuyển sinh, tốt nghiệp trung học phổ thông…), chưa tập trung đổi mới những vấn đề cốt lõi là nội dung, phương pháp đào tạo.

ky_thi_dai_hoc_fedh.jpg
Một số nhà khoa học cho rằng việc bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học dẫn đến chất lượng đào tạo không bảo đảm (Ảnh minh họa)

Giáo dục mầm non chưa đáp ứng được nhu cầu. Hệ thống trường tiểu học tư thục không tuyển sinh đủ học sinh gây lãng phí lớn cho xã hội, việc đổi mới trong đánh giá chất lượng học sinh tiểu học còn nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận.

Giáo dục đại học còn tràn lan, chất lượng chưa cao, chưa tiếp cận được nhu cầu của xã hội và chưa phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Việc đổi mới quy trình đào tạo, hình thức tuyển sinh đại học, cao đẳng (xét tuyển căn cứ kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông) dẫn đến hệ quả là nhiều cơ sở đào tạo không tuyển đủ sinh viên.Một số nhà khoa học cho rằng việc bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học dẫn đến chất lượng đào tạo không bảo đảm.

Bên cạnh đó, đào tạo nghề còn nhiều bất cập, việc phân luồng cho học sinh sau chương trình phổ thông đang bị bỏ ngỏ, còn tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, thiếu người học nghề ngắn hạn; cơ cấu đào tạo bất hợp lý, đào tạo dạy nghề chưa gắn với giải quyết việc làm; nguồn lực cho công tác dạy nghề chưa bảo đảm, huy động trong cộng đồng rất thấp.

Đào tạo theo hình thức cử tuyển gây tốn kém của gia đình, xã hội nhưng hiệu quả thấp. Thời gian tới cần quy hoạch tập trung các trường đại học theo vùng, tránh đầu tư dàn trải, khó bảo đảm chất lượng, gây lãng phí nguồn lực.

Tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo

Trong phần báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016,Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã nêu những giải pháp chính cho lĩnh vực này.

Trong đó nhấn mạnh,cần đánh giá cụ thể hơn việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; trong đó có việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học, bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6… vì trực tiếp ảnh hưởng đến quyền được hưởng nền giáo dục quốc dân và được đào tạo ở các cơ sở có chất lượng của người dân. Việc chuẩn bị thực hiện các chương trình này cần có lộ trình phù hợp, tránh gây bức xúc trong xã hội.

Cần đổi mới tư duy từ Trung ương đến địa phương về tập trung đầu tư cho giáo dục, đào tạo vì giáo dục, đào tạo cùng với khoa học, công nghệ là hai yếu tố then chốt để tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng tăng trưởng.

Quan tâm đầu tư và bố trí quỹ đầu tư ổn định, lâu dài cho giáo dục mầm non. Xem xét lại hiệu quả của hình thức cử tuyển trong đào tạo đại học. Nên bố trí chương trình giáo dục, đào tạo ở các vùng miền núi đặc biệt khó khăn (trong đó có chương trình phổ cập giáo dục mầm non, xóa mù chữ, chống tái mù chữ…) thuộc chương trình của Bộ giáo dục và đào tạo để có sự chỉ đạo tập trung, kịp thời, không nên lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế điều phối quản lý hỗn hợp, kết hợp quản lý cấp Bộ, ngành và quản lý cấp địa phương đối với giáo dục nghề nghiệp để tiệm cận nhu cầu lao động của từng địa phương, từ đó có quyết sách mang tính khả thi cao. Chú trọng đào tạo lao động tay nghề cao và giỏi ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh với khu vực và thế giới; khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chủ động đào tạo, nâng cao tay nghề của người lao động.

Giải pháp cũng nhấn mạnh quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư các cơ sở dạy nghề chất lượng cao; xây dựng giáo trình phù hợp; đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề đạt chuẩn, có đủ kỹ năng thực hành cùng kiến thức lý thuyết chuyên sâu.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Tập trung kiểm tra đánh giá hiệu quả đầu ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu nhập của lao động nông thôn./.