Sáng 13/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa 10 tiếp tục kỳ họp thứ 4 với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu chất vấn một số vấn đề nổi cộm, trong đó có việc giải quyết phá sản Công ty chủ quản của trường Mầm non và Tiểu học Thanh Nguyên.

thanh_nguyen1_vov_awti.jpg
Ông Biện Văn Hoan, Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận thừa nhận có phần trách nhiệm trong vụ phá sản Công ty Thanh Nguyên

Trả lời các đại biểu, ông Biện Văn Hoan, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết: Quá trình giải quyết và ban hành quyết định Tuyên bố phá sản số 01 ngày 18/1/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết vừa qua đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Nguyên có sai sót nghiêm trọng, dẫn đến việc quản tài viên Trần Đăng Minh thi hành án phá sản xảy ra ngày 23/3/2017 tại Trường Thanh Nguyên gây dư luận không tốt.

Cụ thể, Tòa án thành phố Phan Thiết chưa thu thập được đầy đủ tài liệu, chứng cứ, chứng minh về hoạt động tài chính và tình trạng tài sản của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Nguyên tại thời điểm mở thủ tục phá sản; Chưa xử lý các khoản nợ có bảo đảm của Công ty Thanh Nguyên trước khi ra quyết định tuyên bố phá sản theo quy định điều 53 Luật phá sản.

Chưa giải quyết đầy đủ các nội dung được quy định tại điều 108 của Luật phá sản. Trong đó thiếu một số nội dung quan trọng như: Giải quyết quyền lợi cụ thể của người lao động; Xác định tài sản cụ thể còn lại của doanh nghiệp; Quyết định phương án phân chia tài sản trước và sau khi quyết định tuyên bố phá sản.

Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện đặt câu hỏi chất vấn

Do có các sai sót nghiêm trọng kể trên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành văn bản kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét hủy quyết định tuyên bố phá sản nói trên của Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết theo văn bản số 125 ngày 4/4/2017.

Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện cho rằng, mặc dù Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết ra quyết định phá sản, nhưng Tòa án nhân dân tỉnh cũng có phần trách nhiệm vì đã bác đơn đề nghị xem xét lại của Công ty Thanh Nguyên.

Ông Thiện chất vấn: “Đề nghị Chánh án trả lời cụ thể trách nhiệm thuộc về ai? Tại sao luật quy định như thế mình không làm, mình không biết? Kể cả Tòa và Viện kiểm sát, vì lý do sao, vì trình độ hay cái gì?”.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận, vụ phá sản này giải quyết cực kỳ khó khăn. Trong quá trình từ lúc mở thủ tục phá sản đến lúc Tòa án Phan Thiết ra quyết định tuyên bố phá sản, thì Công ty TNHH Thanh Nguyên đã rất thiếu hợp tác, không cung cấp thông tin, tài liệu, sổ sách liên quan.

Phiên chất vấn tại hội trường sôi nổi được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình Bình Thuận

Tuy vậy, ông Hoan thừa nhận Tòa án tỉnh cũng có phần thiếu sót. Tổ thẩm phán do Chánh án ra quyết định thành lập không phát hiện ra sai sót, nên không đồng ý đơn xem xét lại của Công ty Thanh Nguyên theo quy định tại điểm C khoản 1 điều 102 Luật Phá sản.

Ông Biện Văn Hoan nói: “Rõ ràng, khi tuyên bố Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Nguyên phá sản mà có nhiều sai sót như thế, thì Tòa án tỉnh và Tòa án Phan Thiết đều có trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm chính vẫn ở Tòa án đã ban hành quyết định phá sản đầu tiên”.

Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận hiện đang liên hệ với Vụ giám đốc kiểm tra 2 của Tòa án nhân dân tối cao để sớm trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định hủy bản án sai sót nhằm ổn định tình hình tại trường Mầm non và Tiểu học Thanh Nguyên. Đồng thời, sau khi có kết luận của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về vụ việc, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận và Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết sẽ kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân liên quan./.