Sau khi hàng loạt thí sinh được nâng điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 bị phanh phui, nhiều trường đại học lớn trên cả nước đã trả về địa phương các thí sinh gian lận, chính thức đuổi học những em này.
Tuy nhiên, trong số những thí sinh được nâng điểm thì dư luận đang quan tâm là đến nay, 12 thí sinh được sửa điểm vẫn được một số trường đại học giữ lại học tiếp. Dù điểm thật của thí sinh đó cao hơn điểm chuẩn vào trường vài điểm hay chỉ 0,05 điểm.
Đại diện Bộ GD-ĐT và lãnh đạo tỉnh Hà Giang công bố kết quả chấm thi thẩm định kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 |
Tính đến thời điểm hiện tại, những trường vẫn giữ lại thí sinh gian lận thi THPT Quốc gia 2018 là Đại học Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương, Sư phạm, Y Hà Nội...
Lý giải về việc thí sinh được nâng điểm vẫn tiếp tục học ở các trường đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, tất cả các hành vi gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia nói riêng và bất cứ kỳ thi nào khác đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Đối với 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển thì trước mắt, trong quá trình điều tra, các trường đang cho tiếp tục theo học.
Tuy nhiên, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử.
Mặc dù đã có sự lý giải như trên nhưng việc 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển vẫn tiếp tục được đi học đại học vẫn khiến nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục băn khoăn.
Cần sớm công bố phụ huynh gian lận và thí sinh được nâng điểm
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS &THPT Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, Hà Nội nêu quan điểm: Thí sinh đã được nâng điểm thi thì chắc chắn là do bố mẹ hay người thân tác động để em đó có điểm cao hơn so với thực tế thì phải hủy kết quả.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS &THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội |
Nếu Bộ GD-ĐT, các trường đại học không xử lý nghiêm mà vẫn để cho học sinh tiếp tục học ở trường đại học thì không hề có sức răn đe, cảnh tỉnh trong việc chống gian lận thi cử. Phụ huynh hoặc người thân học sinh có những việc làm để con em họ được nâng điểm sẽ dựa vào kẽ hở trong quy chế thi THPT Quốc gia để thỏa mãn được hành vi gian lận.
Bên cạnh việc tán thành cho thôi học 12 thí sinh, ông Nguyễn Quốc Bình cho rằng, cơ quan điều tra cần nhanh chóng công bố danh tính và xử lý nghiêm phụ huynh, các cá nhân, đường dây liên quan đến vụ gian lận thi THPT Quốc gia năm 2018. Dù người đó có là cán bộ, có chức quyền cao đến như thế nào.
Ở khía cạnh trung thực trong thi cử thì không thể chấp nhận được
Là lãnh đạo một trường đại học, ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội băn khoăn, sau khi cơ quan công an công bố kết quả thẩm tra điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 ở 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La, Bộ Công an đã trả về địa phương 28 thí sinh ở Hòa Bình và 25 thí sinh đến từ Sơn La vì có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm chấm ban đầu.
Nhưng nhiều trường đại học dân sự khác vẫn cho phép thí sinh có điểm thi chấm thẩm định thấp hơn tiếp tục học vì có tổ hợp môn thi đạt hoặc cao hơn điểm trúng tuyển.
Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội |
Mâu thuẫn là ở chỗ nếu là điểm phúc khảo sẽ trả về giá trị điểm thật và có thể nhà trường vẫn tiếp tục cho thí sinh học nhưng điểm chấm thẩm định của thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 lại gắn với những sai phạm trong gian lận điểm thi thì cần phải xem xét lại.
“Nếu xét về khía cạnh đạo đức, trung thực trong thi cử thì không thể chấp nhận được cho 12 thí sinh được nâng điểm tiếp tục học ở trường được”, ông Trần Văn Tớp cho biết.
Không thể tự dưng vô cớ thí sinh được nâng điểm
Nhận định về những lý giải của Bộ GD-ĐT khi tiếp tục để những thí sinh có điểm thi chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thực tiếp tục học ở trường đại học, ông Hoàng Ngọc Vinh, chuyên gia giáo dục cho rằng, việc lý giải đó cũng là để Bộ GD-ĐT và cơ quan công an điều tra ra sai phạm trong gian lận thi cử phải xác định đúng người, đúng tội.
Ông Hoàng Ngọc Vinh, chuyên gia giáo dục |
Tuy nhiên, nếu so sánh việc 1 thí sinh được nâng điểm với 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi dù chưa sử dụng đã bị hủy kết quả bài thi thì việc để cho thí sinh được nâng điểm tiếp tục học đại học là không hợp lý.
Không phải tự dưng vô cớ thí sinh được nâng điểm thi THPT Quốc gia. Phần mềm máy tính không thể biết được số báo danh, địa chỉ, tên tuổi của thí sinh để tự động nâng điểm được. Chỉ có tác động của con người vào phần mềm chấm thi thì mới có sự thay đổi về điểm số.
Vì vậy, những thí sinh được nâng điểm thi đều có sự tác động để được nâng điểm thi nên Bộ GD-ĐT và các trường đại học nên buộc thôi học những em này”, ông Hoàng Ngọc Vinh phân tích./.
Vì sao thí sinh Sơn La gian lận 11 điểm vẫn được học ĐH Luật Hà Nội?
Công an Sơn La sẽ xử lý nghiêm cán bộ “chạy” nâng cho con 25 điểm