Ngày 7/9, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cuộc họp để nghe các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành nhằm hoàn chỉnh Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì cuộc họp.

Báo cáo của đoàn giám sát cho biết, đến năm 2011, có gần 348.00 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất chưa được hỗ trợ. Nguyên nhân thiếu đất chủ yếu do quá trình tăng dân số (cả tăng tự nhiên và chuyển từ nơi khác đến) và do quá trình thực hiện quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện, hạ tầng công cộng, công trình quốc phòng, an ninh…Nguyên nhân khác là một số hộ nghèo phải sang nhượng, cầm cố, thế chấp đất sản xuất, đất ở, nhà ở mà không có khả năng chuộc lại. Tuy không chiếm tỉ lệ cao nhưng đây là hiện tượng đáng báo động, dễ gây bất ổn trong cộng đồng dân cư. Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận vấn đề giao lại đất của các nông lâm trường cho các hộ dân. Mặc dù quỹ đất còn hàng triệu ha, nhưng đến nay, số lượng đất giao lại cho người dân mới hoàn thành được 14%. Ngoài vướng mắc về đối tượng thụ hưởng, trong việc phân chia đất đai ở một số địa phương còn mang tính trục lợi, lợi ích nhóm. Theo ông Ngô Thế Hiên, Phó cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn-Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần phải có cơ chế đền bù cho người đầu tư trên đất tại các nông lâm trường trước khi thu hồi đất giao lại cho dân.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là điều kiện để bà con khai thác tài nguyên đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế. Bởi vậy, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý đất đai và tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở và đất sản xuất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: “Chúng ta nên kiến nghị tiếp tục thực hiện tốt chính sách giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số; Phải tiếp tục công nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, nó gắn với cộng đồng dân cư vì không gian sống là tồn tại của không gian văn hóa nên chúng ta phải hết sức chú ý. Chúng ta phải nghiên cứu về chính sách miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức đối với các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn, miền núi và vùng biên giới”./.