Chiều 2/8, Thượng tá Trần Bằng Đức, Phó trưởng phòng Phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các lực lượng chức năng giải cứu thành công 12 người bị ép buộc lao động trên biển, đồng thời đang mở rộng điều tra đường dây môi giới sử dụng lao động bất hợp pháp.

tau_ca_di_bien_nofp.jpg
Lợi dụng lao động đi biển ở Kiên Giang đang rất khan hiếm nên các đối tượng lừa, môi giới lao động trái phép.

Trước đó, ngày 24/7, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang nhận được đơn yêu cầu của gia đình các nạn nhân ở Ninh Thuận, KomTum, Gia Lai, Đồng Nai cho rằng có con em bị lừa gạt đi làm ngư phủ trên 1 cặp tàu đánh cá ở Kiên Giang.

Sau khi xác minh, điều tra, lực lượng chức năng xác định có sự việc trên, đồng thời mời chủ tàu lên làm việc và yêu cầu đưa 12 nạn nhân về đất liền.  Tối 27/7, lực lượng chức năng đã áp giải tàu cá nói trên vào đất liền và giải cứu thành công 12 lao động.

Qua lời khai của các nạn nhân cho biết, trong số này có 6 lao động bị các xe ôm ở Thành phố Hồ Chí Minh lôi kéo, môi giới; một số khác đọc quảng cáo tuyển lao động để lựa cá trên biển với mức lương 12 triệu/tháng trên Facebook; số còn lại tự tìm đến địa chỉ môi giới khi đọc các tờ rơi quảng cáo dán bên đường. Mỗi ngư phủ được chủ tàu cá trả 13 triệu đồng nhưng tất cả tiền này đều bị các đối tượng môi giới, cò lao động lấy hết, các nạn nhân không được hưởng đồng nào.

Các lao động bị lừa đi biển lần này đều trên 16 tuổi, ở TP HCM và các tỉnh Ninh Thuận, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh.

Hiện nay, 12 lao động đã đã về nhà an toàn và được chủ tàu cá chi trả toàn bộ chi phí. Thượng tá Trần Bằng Đức cho biết thêm, lợi dụng sự khan hiếm về lao động đi biển nên các đối tượng môi giới lao động trái phép lừa cả chủ tàu và người lao động để trục lợi.

Thượng tá Trần Bằng Đức chia sẻ: “Chúng tôi đã cử người ra tận các bến xe để đưa các nạn nhân lên xe, tránh tình trạng các đối tượng ra uy hiếp. Qua xem xét, chúng tôi đánh giá ban đầu đây là sự môi  giới lao động trái phép, tức là không có hợp đồng lao động, không công khai thông tin với người lao động. Các đối tượng này chủ yếu lợi dụng sự thiếu hiểu biết và khan hiếm nguồn lao động để lừa cả chủ tàu và người lao động, nhìn chung các chủ tàu cũng là người vô tội”./.