- Ô tô gãy phần đầu, trên 100 tấn gỗ tràn ra đường
- 1 tháng xảy ra gần 1.000 vụ tai nạn giao thông
- 9 ngày Tết: 317 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông
Những năm gần đây, đời sống người dân vùng cao ngày càng được cải thiện. Việc mua một chiếc xe máy để đi lại không còn là điều mới mẻ. Thế nhưng, tình trạng đi xe không có giấy phép lái xe, bảo hiểm xe và điều khiển xe trong tình trạng uống rượu bia khá phổ biến. Đây là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông gia tăng.
Ở huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, Tết Nguyên đán vừa qua có một cách làm đang được ủng hộ. Đây là sáng kiến do một cán bộ huyện đề xuất. Để góp phần hạn chế tai nạn giao thông xe máy, già làng, trưởng thôn được quyền giữ chìa khoá xe của những người trong thôn và quyết định cho đi hay không tuỳ thuộc vào tình trạng của chủ xe. Nghĩa là: Phải có đủ giấy tờ, mũ bảo hiểm, và quan trọng là không được điều khiển xe trong tình trạng uống rượu bia!.
Ban đầu, cũng có ý kiến phản đối: Xe máy là tài sản riêng của cá nhân, bắt nộp chìa khóa cho trưởng thôn hay già làng, liệu người dân có đồng ý không? Nhưng cũng có ý kiến cho rằng: Già làng, trưởng thôn là người có uy tín, ai trong thôn cũng nể trọng. Mà chẳng có gì là sai trái cả, nếu anh có đủ giấy tờ xe, không uống rượu bia thì muốn lấy xe lúc nào mà chẳng được?.
Trên cơ sở làm điểm ở một số thôn của các xã A Nông, A Xan, Tr' Hy năm 2011, thấy có hiệu quả, UBND huyện Tây Giang quyết định làm rộng rãi trong toàn huyện bắt đầu từ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn.
Trước Tết, UBND huyện chỉ đạo các địa phương gồm lãnh đạo 10 xã với 70 thôn tiến hành họp dân, vận động thanh niên tự giác giao chìa khoá xe máy của mình cho già làng, trưởng thôn. Lúc nào có việc cần đến xe máy thì gặp già làng để xin phép. Tùy theo tình trạng của chủ xe có uống rượu bia hay không, mà già làng có quyền quyết định có giao chìa khoá xe hay không. Do công tác vận động, tuyên truyền tích cực nên tất cả các thôn, các xã trong huyện đều thực hiện phương án này.
Ông Bhriu Quân, Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Giang cho biết: Hiệu quả thấy rõ là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, trong toàn huyện không xảy ra tình trạng thanh niên uống rượu bia lái xe lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn. Trong khi đó, Tết nguyên đán năm trước, riêng tai nạn giao thông xe máy đã hơn 100 trường hợp, hàng chục người bị thương nặng phải chuyển xuống bệnh viện dưới Đà Nẵng điều trị.
Ông Bhoch, trưởng thôn Pơ Ning, xã Lăng cho biết: Tết vừa rồi, lãnh đạo xã đã chỉ đạo cho thôn Paninh giữ lại chìa khóa xe bà con, hộ nào có xe máy thì giao chìa khóa cho trưởng thôn hoặc phó thôn, hầu hết bà con đều nhất trí cao. Thanh niên ý thức được rằng đã uống rượu bia thì không nên đi xe máy, đã uống rượu thì trưởng thôn sẽ không giao lại chìa khóa xe. Tôi nghĩ nếu Tết năm nào cũng duy trì cách làm này thì sẽ hạn chế tai nạn giao thông, việc làm này rất tốt.
Thế nhưng, làm thế nào để giải thích cho bà con, nhất là thanh niên hiểu và hưởng ứng điều nay? Ông Bhoch nói cho biết: “Trước tết, thôn Pơ NiIng đã họp mặt bà con, nhà nào cũng phải đi dự họp. Trưởng thôn cùng với già làng thuyết phục bà con rằng huyện đưa ra biện pháp giữ chìa khóa xe của bà con là để giảm tai nạn giao thông, nếu mà ai cũng chấp hành đủ điêu kiện như là có đủ giấy tờ, mũ bảo hiểm, không say rượu bia thì muốn lấy chìa khóa xe lúc nào cũng được. Nhà nước muốn bà con ăn Tết vui vẻ, an toàn, không ai bị tai nạn giao thông cho nên bà con họ vui vẻ không ai có ý kiến phản đối gì. Bà con trong thôn đều chấp hành 100%”.
Tất cả các thôn khác trong huyện cũng vậy. Trưởng thôn, phó thôn đã cùng với già làng làm rất tốt công tác thuyết phục vận động nhân dân. Già làng Clâu Nâm, thôn Pơning, xã Lăng thường khuyên bảo mọi người trong ngày Tết, ăn uống no say, đi xe cộ rất dễ bị tai nạn. "Tôi hay khuyên các con tôi, mình là cán bộ, ăn uống no say mà tham gia giao thông thế thì nghỉ đi, làm cán bộ mà không làm gương cho dân thì làm gì nữa. Vì cuộc sống gia đình mình phải chấp hành tốt".
Zơ Râm Cheo, một thanh niên ở thôn Tà Vàng, xã A Tiêng cho biết: “Tết vừa rồi, trong thôn em gần như tất cả thanh niên đều nghe theo lời động viên của trưởng thôn và già làng, giao chìa khóa cho trưởng thôn giữ. Các thanh niên đều vui vẻ thực hiện trong 3 ngày Tết để hạn chế tai nạn. Sau ngày mùng 3 thì trưởng thôn giao lại chìa khóa cho bà con để đi chơi, giao lưu thăm hỏi. Em thấy điều đó cũng là tốt thôi, chẳng có khó khăn gì cả. Nếu mà mình chấp hành tốt luật giao thông thì chẳng có phiền hà chi hết”.
Sáng kiến nhỏ, hiệu quả lớn. Trên cơ sở làm đại trà việc giao trưởng thôn, già làng kiểm soát việc đi lại xe máy của người dân trong thôn, UBND huyện Tây Giang sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm để duy trì việc làm này không chỉ trong dịp Tết./.