Chiến tranh đã lùi xa, những tiếng súng nay cũng chỉ còn trong dĩ vãng, nhưng lòng các mẹ vẫn còn đó những niềm đau. Ngày mẹ tiễn chồng và con ra trận, mẹ chẳng thể ngờ đó là lần cuối cùng mẹ được gặp những người thân yêu nhất cuộc đời mình.

Bước ra từ chiến trường, họa sỹ Đặng Ái Việt (sinh năm 1948), người con miền sông nước Tiền Giang luôn đau đáu trong lòng nỗi niêm tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng.

hoa_sy_3_gfsp.jpg
Họa sỹ Đặng Ái Việt (Nguồn: KT)

Bắt đầu thực hiện dự án “Nét vẽ tri ân” từ năm 2010, vượt qua hơn 30.000 cây số, rong ruổi khắp các cung đường Tổ quốc từ Nam chí Bắc, đến nay họa sỹ Ái Việt đã sở hữu một gia tài khổng lồ là 1.474 bức chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng.

Đó là một hành trình trường kỳ và không ít chông gai mà khó ai khó thể làm được, chứ đừng nói đến một người đã ngoài 60. Nhưng có lẽ, chất lính, tinh thần chiến đấu của người chiến sỹ năm xưa vẫn còn sâu trong người phụ nữ bé nhỏ ấy, để bà bất chấp tất cả khó khăn, vượt qua tất cả để khắc họa lại chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng.

Từ năm 15 tuổi, họa sỹ Đặng Ái Việt đã xung phong ra chiến trận, đi vào con đường ấy, cô gái trẻ chấp nhận sự đau thương và mất mát. Cô gái Đặng Ái Việt ra chiến trường mang trong balo là bút màu, giấy vẽ, khi ấy Ái Việt là họa sỹ của tờ báo Phụ nữ giải phóng.

Hòa bình lập lại, họa sỹ Ái Việt về giảng dạy tại trường đại học thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng trong lòng họa sỹ vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm: “Muốn làm một điều gì đó tri ân cho những người mẹ của Tổ quốc này. Năm 1994, nhà nước có tri ân với các mẹ, phong các Mẹ Việt Nam anh hùng. Cục người có công cho tôi biết rằng chúng ta có trên dưới 50 ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng. Vì vậy tôi quyết  tâm đầu tư vào đề tài nhân chứng lịch sử và bắt đầu thực hiện từ năm 1995”.

Mọi công việc chuẩn bị cho dự án đã được họa sỹ Việt chuẩn bị thấu đáo, nhưng đến năm 2007, chồng họa sỹ Đặng Ái Việt, đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Khắc đột ngột qua đời. “Với tôi sự ra đi của ông xã là nỗi mất mát lớn lắm”, họa sỹ bùi ngùi. Thế nhưng xếp gọn nỗi đau riêng, họa sỹ vẫn quyết tâm thực hiện dự án đã đề ra và đây cũng là thực hiện một lời hứa với người chồng, người đồng đội của bà.

Từ ngày 19/2/2010, họa sỹ Ái Việt chính thức thực hiện những bức tranh đầu tiên vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng. Người bạn đồng hành với bà là chiếc xe Chaly cũ.

Suốt 7 năm qua, không nơi nào trên đất nước Việt Nam hình chữ S thiếu dấu chân của người họa sỹ già đầy nhiệt huyết.

Họa sỹ Đặng Ái Việt rong ruổi khắp các cung đường Tổ quốc trên chiếc xe Chaly cũ. (Ảnh: TTVH)

“Khi gặp các mẹ, tôi đều có cảm nhận rằng tôi là con của các mẹ, một đứa con chưa từng gặp mặt, một đứa con từ phương xa tới. Vì tôi chính là đồng đội của con các mẹ”, họa sỹ tâm sự.

Đi khắp mọi miền đất nước, đến nay đã vẽ hàng nghìn bức chân dung mẹ Việt Nam anh hùng, với họa sỹ Đặng Ái Việt, trong suốt 7 năm đi vẽ, mỗi mẹ là một câu chuyện và là một miền ký ức không thể nào quên với họa sỹ. “Mỗi câu chuyện của các mẹ đều rất bi hùng. Với các mẹ miền Nam, khi các con đi chiến đấu, người nào mất, người nào còn là biết liền. Nhưng với các mẹ ở miền Bắc có con vào chiến trường miền Nam chiến đấu, đến giờ vẫn thấp thỏm chờ con”.

Qua tháng năm, những dấu vết thời gian đã hằn trên khuôn mặt mẹ và được họa sỹ Ái Việt tạc lên trang giấy với cả sự ngưỡng vọng, thành kính.

Hành trình vẽ mẹ là cuộc chạy đua

Một mình vượt qua bao cung đường khói bụi, khi là sông sâu, khi là núi cao, nhưng người họa sỹ già vẫn vững niềm tin. “Với tôi khi nghĩ đến các mẹ như là tâm điểm để tôi đi đến thì không gì có thể cản bước tôi được. Nếu hỏi rằng trên đường đi, có gặp khó khăn gì hay không thì với tôi là không”.

Với người họa sỹ đầy tâm huyết ấy, điều mà bà sợ nhất là thời gian của các mẹ: “Đối với các mẹ, nếu một ngày không đến kịp sẽ phải ân hận cả đời vì không biết lúc nào mẹ sẽ ra đi, trái tim mẹ khi nào sẽ ngừng đập”.

Luôn trong tâm thế sẵn sàng, nên những khó nhọc trên đường đi chẳng thể làm chùn bước chân của họa sỹ Ái Việt. Trên chiếc xe Chaly đã được bà gia cố có đầy đủ những dụng cụ, đồ dùng cần thiết, đồ sửa xe, áo mưa, mỳ gói,… Chiếc xe ấy khi là chiếc ghế ngả lưng, khi lại là mái nhà che mưa che nắng cho họa sỹ nghỉ ngơi, tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Chưa một lần họa sỹ Việt kể về những khó khăn trên đường đi, thế nhưng đọc những dòng nhật ký của bà ghi lại, mới thấy thấm đẫm mồ hôi, công sức của người phụ nữ phi thường ấy:

Lai Châu, 7/6/2011 (thứ ba)

7h15 rời Mường Lay. Trời mưa. Vẫn là đường nhựa, nhưng nhiều đoạn núi lở, những tảng đá hàng tấn không biết lở lúc nào nhưng vết đất đá vẫn còn mới lắm.

9h đến công trường thủy điện sông Đà, đường ngổn ngang bùn lầy. Tập trung toàn bộ sức lực, cho xe chạy từ từ qua mấy đoạn bùn ngập bánh xe. Chaly và mình ngã ngang giữa dốc. Chân mình va vào bô xe máy bị bỏng rát. Đến nơi, được tin Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, tuy mệt nhưng lòng thanh thản. Lai Châu chỉ còn duy nhất 1 bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Đến được Mường Tè rồi thì yên tâm nhưng nhớ đoạn quay lại ớn rùng mình”.

Họa sỹ chia sẻ, có những lúc nhớ con nhớ cháu đến chảy nước mắt, nhưng khi chưa thực hiện xong hành trình vẽ các Mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp đất nước, bà còn chưa cho mình được phép dừng chân.

Với họa sỹ, sự trưởng thành và ủng hộ của con cháu chính là hậu phương vững chắc giúp bà luôn an tâm vượt qua mọi khó khăn, thực hiện công việc đầy cao cả.

Nhanh là thế, vội là thế, ấy vậy mà họa sỹ vẫn có những nỗi niềm nuối tiếc khi không đến kịp để vẽ chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Lào Cai.

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đạt giải Vàng Triển lãm Mỹ thuật VN 2015

VOV.VN - Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 trưng bày hơn 400 tác phẩm đại diện cho hoạt động sáng tạo mỹ thuật Việt Nam trong 5 năm qua. VOV.VN trân trọng giới thiệu 6 tác phẩm đạt giải cao nhất (2 tác phẩm đạt giải Vàng, 4 giải Bạc) trong tổng số 38 tác phẩm được trao giải thưởng trong triển lãm lần này.

Với họa sỹ Ái Việt, việc vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng chính là sự tri ân tới những người mẹ đã hy sinh cho dân tộc, tri ân những người đồng đội đã nằm lại chiến trường năm xưa. Cũng trong hành trình này, họa sỹ đã thay những người con thực hiện việc mà họ chưa kịp làm và mãi mãi không còn cơ hội thực hiện nữa. Cũng bởi vậy, mà mỗi lần vẽ mẹ Việt Nam anh hùng, họa sỹ đều xin để được hôn lên mái tóc bạc trắng phơi sương, lên đôi gò má nhăn sạm vì nước mắt những ngày đợi con, và hôn lên đôi bài tay gầy guộc đã góp phần tạo nên đất nước.

Đến nay, hơn 300 bức tranh chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng của họa sỹ Việt cùng chiếc xe Chaly đã được trưng bày trong bảo tàng phụ nữ Việt Nam, họa sỹ Đặng Ái Việt vẫn tiếp tục cuộc hành trình đi vẽ các mẹ Việt Nam anh hùng bằng chiếc xe “Cánh Phượng” được bà gia cố từ chiếc xe Honda 81 trước khi “đầu hàng” trước sự khắc nghiệt của thời gian./.