Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng tập hợp, nghiên cứu tất cả hồ sơ có liên quan và triển khai các công việc để bảo đảm các điều kiện cho hội đồng làm việc theo quy định.

“Điều này đồng nghĩa với việc đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải tiếp tục chờ kết luận cuối cùng từ Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, trước khi đưa dự án vào khai thác, vận hành thương mại”, đại diện Bộ GTVT cho biết.

Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được nghiệm thu hoàn thành và kết quả vận hành thử đã đảm bảo các chỉ tiêu vận hành khai thác theo đúng thiết kế. Trong quá trình khai thác dự án Cát Linh-Hà Đông, Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội sẽ phối hợp với sự hỗ trợ của Tư vấn vận hành.

Trước đó, để có ý kiến thống nhất các nội dung nghiệm thu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, UBND TP Hà Nội cũng đã có báo cáo Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội đồng thuận với các giải pháp khắc phục của Bộ GTVT đối với 9/16 vấn đề, phát hiện của Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Tư vấn ACT - Pháp) nhằm bảo đảm các điều kiện vận hành, khai thác dự án theo báo cáo của UBND thành phố.

Theo đại diện Bộ GTVT, việc Hội đồng Kiểm tra nhà nước lấy ý kiến của UBND TP Hà Nội là để có những ý kiến thống nhất quan điểm về nghiệm thu dự án đường sắt Cát linh - Hà Đông, khi các bên có được sự đồng thuận thì Hội đồng Kiểm tra nhà nước sẽ có đánh giá đưa ra kết luận.

“Tất cả những yêu của Hội đồng Kiểm tra nhà nước đều đã được Bộ GTVT giải trình và đã được UBND TP Hà Nội đồng thuận. Dự kiến đến cuối tháng 7 này, Bộ GTVT sẽ nhận được kết luận của Hội đồng Kiểm tra nhà nước về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, khi có kết luận sẽ tiến hành các bước tiếp theo để vận hành khai thác thương mại’, đại diện Bộ GTVT cho biết.

Cũng theo UBND TP Hà Nội, việc phê duyệt Quy trình vận hành, khai thác gồm 166 quy trình, thành phố Hà Nội và Bộ GTVT đã thống nhất tại văn bản 281/TB-VP ngày 30/6/2021. Quy trình vận hành khai thác dự án thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.

Tuy nhiên, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông  thí điểm do Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, được thực hiện công nghệ mới theo tiêu chuẩn Trung Quốc, lần đầu tiên được đưa vào vận hành khai thác, chưa được đánh giá một cách toàn diện, liên quan nhiều lĩnh vực; các đơn vị thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt chưa nhiều kinh nghiệm.

UBND thành phố Hà Nội là đơn vị sử dụng, khai thác, vận hành (giao cho Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội – Hanoi Metro).

Trên cơ sở quy trình vận hành khai thác do Tổng thầu EPC lập, Bộ GTVT có văn bản thống nhất chấp thuận 166 quy trình vận hành khai thác và tiếp tục giao Ban Quản lý dự án đường sắt, Tổng thầu EPC, Hanoi Metro, Tư vấn vận hành Metro Bắc Kinh (Trung Quốc) thực hiện, theo dõi, cập nhật, đề xuất điều chỉnh bổ sung trong thời gian 1-2 năm (song song với thời gian bảo hành). Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội sẽ phối hợp xem xét, phê duyệt.

Trước đó, ngày 7/6, Bộ GTVT đã báo cáo Hội đồng Kiểm tra nhà nước về 9/16 vấn đề mà Tư vấn ACT khuyến cáo liên quan đến quản lý vận hành, bố trí nhân sự trong giai đoạn vận hành, khai thác.

Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông còn tồn tại một số vấn đề, nhưng không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, bảo đảm công trình đủ điều kiện khai thác an toàn.

Tiêu chuẩn áp dụng tại dự án Cát Linh - Hà Đông là tiêu chuẩn chung của Trung Quốc trước năm 2020. Tư vấn Pháp ACT đã tiến hành đánh giá an toàn hệ thống cho dự án từ năm 2018 và đã hoàn thiện 13 báo cáo đánh giá, cấp Chứng nhận an toàn hệ thống ngày 5/5/2021.

Trên cơ sở tiêu chuẩn GB/T 30013-2013 về điều kiện cơ bản cho khai thác thử, đã xác định với chứng nhận an toàn hệ thống Tín hiệu của Ricardo hiện tại đã đủ điều kiện cho vận tải hành khách, Bộ Giao thông Vận tải đã xác nhận chấp thuận các phát hiện mà Tư vấn ACT đã nêu làm cơ sở cấp Chứng nhận an toàn hệ thống./.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài hơn 13 km, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở tối đa 1.326 người, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/giờ.

Nhân sự vận hành toàn hệ dự kiến gần 700 người, trong đó 200 người được đào tạo ở Trung Quốc.

Công trình được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc, giá trị hơn 669 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam, hơn 198 triệu USD. Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, với tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Thời hạn bảo hành dự án là 2 năm.

Được biết, hiện nay phía Việt Nam đã thanh toán 95% tiền cho nhà thầu.