Dư luận chưa hết bàng hoàng trước vụ việc 18 bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình bị tai biến trong quá trình chạy thận khiến 8 người tử vong. Trước đó, vào cuối tháng 3 vừa qua, thông tin liên quan đến việc bó bột quá chật dẫn đến chân bệnh nhân bị hoại tử, phải cắt bỏ gây bức xúc trong dư luận… Những sai sót trong y khoa là điều rất khó tránh khỏi, song điều quan trọng là xử lý tai biến ấy như thế nào để tránh những sai sót đáng tiếc có thể xảy ra tiếp theo.

phau_thuat_kvtm.jpg
Rủi ro sai sót trong y khoa rất cần dư luận cảm thông. (Ảnh minh họa).

Lúc mới ra trường một thời gian ngắn, khi đó chưa có quy định về việc tiêm vitamin D, tiến sĩ – bác sĩ Võ Văn Sơn, nguyên bác sĩ phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, vừa tiêm cho bệnh nhân xong thì bỗng nhiên người bệnh kêu chóng mặt và ngã gục xuống sàn. Các bác sĩ phải nhanh chóng cấp cứu tại chỗ để hồi sức cho bệnh nhân. Tai biến tưởng như nhỏ nhưng trong chốc lát, có thể cướp đi mạnh sống của bệnh nhân. Hình ảnh này ám ảnh bác sĩ Sơn một thời gian dài, không dám tiêm cho bệnh nhân cho đến khi có các thiết bị hiện đại, dụng cụ chống sốc.

Sau này, khi công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tiến sĩ Sơn đối mặt với nhiều ca bệnh nguy hiểm như mổ cấp cứu, giành giật sự sống mong manh cho bệnh nhân trong khi gần như không còn hy vọng. Đối với những ca mổ cấp cứu, không có người nhà để cam kết, các bác sĩ phải chạy đua với thời gian để cứu người bệnh. Nhưng sau đó, khi giải thích cho người nhà, có thể phải nhận lại những áp lực rất lớn...

Tiến sĩ, bác sỹ Võ Xuân Sơn thừa nhận bản thân khi phẫu thuận cũng có tỷ lệ sai sót từ 3 đến 4%.

Ông lý giải nguyên nhân tai biến y khoa xảy ra nhiều trong khi vẫn thực hiện đúng quy trình: “Mỗi một con người có sự đáp ứng đối với bệnh tật khác nhau, có từng biểu hiện khác nhau. Mà y khoa phần lớn dựa vào cảm giác cảm quan của người thầy thuốc. Cho nên có thể chẩn đoán được hay không, không chỉ dựa vào trình độ chuyên môn. Trạng thái tâm lý, sức khỏe của bác sĩ tại thời điểm đó cũng quyết định không nhỏ”.

Mặc dù Bộ Y tế chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ tai biến, rủi ro hay sai sót trong y khoa nhưng hàng năm ước tính có tới hàng trăm trường hợp.

Theo các chuyên gia y tế, sản khoa và ngoại khoa luôn tiềm ẩn rủi ro hơn cả. Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ tai biến sản khoa gây ra tử vong mẹ trên thế giới cũng như Việt Nam hiện vẫn còn cao. Ví dụ, vấn đề băng huyết sau sinh chiếm 50% các trường hợp tai biến sản khoa và nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do lỗi của nhân viên y tế không thực hiện đúng quy trình, đúng phác đồ quy định. 

Theo bác sĩ Nhi: thai kỳ là yếu tố nguy cơ đối với người mẹ. Đối với thai phụ, mặc dù có thể tầm soát được, nhưng không thể dự đoán được những biến chứng xảy ra. Vì vậy, một số trường hợp xảy ra tai biến người nhà bệnh nhân đòi hành hung bác sĩ, xúc phạm danh dự khi các bác sĩ thực hiện đúng quy trình. Chính việc này tạo nên một áp lực lớn đối với người thầy thuốc. Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi hy vọng khi thành lập được hiệp hội nghề nghiệp thì các tai biến y khoa sẽ được xem xét cụ thể hơn: “Người ta sẽ xem xét thuộc về lỗi y khoa hay là tai biến y khoa không mong đợi. Như vậy thì câu trả lời đối với người thân, đối với người bệnh, nếu có hiệp hội đứng ra thì bệnh nhân sẽ cảm thấy minh bạch hơn, không có điều gì che giấu cả”.

Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cũng cho rằng các bệnh viện, cơ sở y tế cần xây dựng hệ thống báo cáo sự cố để hạn chế lặp lại rủi ro. Hiện nay Bệnh viện Từ Dũ đã xây dựng quy trình báo cáo sự cố và đã phần nào kiểm soát được sự cố sản khoa.

Từ những rủi ro, sai sót y khoa như: bỏ quên gạc phẫu thuật trong bụng sản phụ; chỉ định mổ chân trái nhưng bác sĩ lại mổ chân phải…

Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho rằng: cần phải thay đổi tư duy, nhận thức về tai biến y khoa. Nếu xử lý trực tiếp từng cá nhân liên quan đến các vụ việc thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Phải tập trung vào những lỗi hệ thống để có thể ngăn ngừa được tai biến y khoa, đó là vấn đề về chuyên môn, thiết bị kỹ thuật…. Cần phải có sự cởi mở, công khai sai sót y khoa để khắc phục. Những cố ý vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh, xử phạt hợp lý.

Ông Khoa cho biết: Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng thông tư hướng dẫn về báo cáo sự cố y khoa, trong đó quy định sự cố nào bắt buộc phải báo cáo, từ đó phân tích tìm nguyên nhân, để đưa ra khuyến cáo kịp thời cho các đơn vị khi có tai biến y khoa xảy ra.

Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã đưa việc báo cáo về tai biến y khoa và an toàn người bệnh là một chỉ tiêu "cứng" trong báo cáo kiểm tra bệnh viện mỗi 6 tháng và hàng năm. Bộ này cũng khuyến khích các bệnh viện chủ động báo cáo và có giải pháp kịp thời khắc phục ngay các sự cố y khoa; đồng thời phải tuân thủ và tích cực khắc phục sự cố y khoa. Những bác sĩ cũng mong muốn có sự sẻ chia từ cộng đồng xã hội vì nhiều tai biến ngoài dự kiến, không tầm soát được./.